Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo “Hồn nước” của Thanh niên Cứu quốc khu Hoàng Diệu

ANHTHU| 02/09/2005 09:59

Mãi đến gần đây, thông qua những bài viết và những câu chuyện kể của những người tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là những người trực tiếp làm báo, viết báo lúc bấy giờ, mọi người mới được biết nhiều thông tin, tư liệu về tờ báo “Hồn nước” - cơ quan ngôn luận của nam, nữ Thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu, Hà Nội năm 1945.

Báo "Hồn nước" được trưng bày tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam Ảnh: P.Dung

Mãi đến gần đây, thông qua những bài viết và những câu chuyện kể của những người tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là những người trực tiếp làm báo, viết báo lúc bấy giờ, mọi người mới được biết nhiều thông tin, tư liệu về tờ báo “Hồn nước” - cơ quan ngôn luận của nam, nữ Thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu, Hà Nội năm 1945.

Tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện lưu giữ 3 số báo của tờ “Hồn nước”. Tờ thứ nhất không rõ ngày tháng, gồm 4 trang, in bằng mực tím, khổ 22cm x 31cm. Tờ thứ hai (số 5 ra ngày 1-7-1945) 2 trang in litô, mực xanh, kích thước 28cm x 37cm; tên báo là “Hồn nước” và dòng chữ “Cơ quan tuyên truyền của nam nữ Thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu” được in màu đỏ. Tờ thứ ba (số 9, ra ngày chủ nhật 16-12-1945) 4 trang, được in bằng máy, mực xanh, kích thước 33cm x 49cm.

Việc xuất bản báo “Hồn nước” được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, nhằm góp phần tập hợp, động viên thanh niên Hà Nội và nhân dân cả nước đứng lên theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Cuối năm 1944, chính đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Thành ủy đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Vân phụ trách báo “Hồn nước”. Những người trực tiếp tham gia viết bài và in báo gồm các đồng chí Lê Đức Vân (phụ trách), Trần Thư, Mai Luân, Kim Chi... Thấy được vai trò to lớn của tờ báo, những người được giao nhiệm vụ đều rất phấn khởi và tự hào, nhân dân thì hoan nghênh và ủng hộ.

Ban đầu, báo được in tại số nhà 15 phố Hàng Phèn (nhà riêng của đồng chí Trần Thư) với kỹ thuật in thô sơ (bột đá nhào với nước làm khuôn in, dùng mực tím viết lên giấy dài rồi đặt lên khuôn lăn đến khi được thì bóc giấy ra). Đầu năm 1945, báo được in litô, tạinhà ông Nguyễn Hải Hùng, ở làng Giáp Nhất thuộc đại lý Hoàn Long (nay thuộc quận Thanh Xuân). Tại đây, báo in được 3 số thì bị lộ, buộc phải chuyển đến cơ sở mới là ngôi nhà nhỏ vắng chủ ở làng Láng Trung. Tiếp đến, cơ quan in báo chuyển đến nhà ông Nguyễn Viết Thư, ở thôn Xuân Canh (trên đường từ Nhổn đi Hà Đông), tại đây báo số 5 đã được in. Đến gần ngày Tổng khởi nghĩa, cơ quan in báo chuyển về nhà bà Nguyễn Thị Bảy ở Dịch Vọng, Từ Liêm. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, báo “Hồn nước” công khai đặt trụ sở trên phố lớn (gần Ngân hàng Trung ương hiện nay). Lúc này, báo chuyển sang in máy...

Dù số lượng không nhiều, nhưng ngay trong lòng kẻ thù, báo “Hồn nước” - cơ quan tuyên truyền của Thanh niên khu Hoàng Diệu vẫn được phát hành với kỹ thuật in ấn ngày càng hiện đại, cho thấy quyết tâm làm cách mạng của thanh niên và nhân dân Hà Nội. Sự xuất hiện của tờ báo đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân Hà Nội vào Đảng, vào thắng lợi hoàn toàn của cách mạng. Đặc biệt, những nam, nữ thanh niên Hà thành đã đón chào tờ báo của mình, đọc và làm theo báo, hăng hái tham gia tổ chức thanh niên cứu quốc, đi đầu giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo “Hồn nước” của Thanh niên Cứu quốc khu Hoàng Diệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.