Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải tạo hồ hào Thành cổ Sơn Tây: Không chỉ bảo tồn một di tích

Đức Trường| 18/03/2010 06:21

(HNM) - Sáng nay (18-3), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) tổ chức lễ khởi công công trình cải tạo môi trường Hào Thành cổ - thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Hào Thành cổ Sơn Tây là hồ duy nhất không thuộc nội thành Hà Nội được đưa vào đợt 1 giai đoạn 1 thuộc đề án "Cải tạo môi trường các hồ nội thành" của UBND TP Hà Nội. Sau khi lãnh đạo thành phố có chủ trương xã hội hóa đề án này, Handico đã được giao cải tạo Hào Thành cổ. Đây là hồ thứ hai được cải tạo (sau hồ Vục - quận Long Biên), nhưng là hồ đầu tiên được cải tạo bằng kinh phí của một doanh nghiệp nhà nước.

Gìn giữ một "nhân chứng" lịch sử

Thành cổ Sơn Tây là tòa thành đá ong xây dựng hoàn chỉnh nhất ở nước ta, được xây vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Đến năm 1994, Thành Sơn Tây chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia.

Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Thái Bá

Thời gian và các biến cố lịch sử đã làm Thành cổ cũng như hào nước quanh thành bị hư hỏng. Riêng tường kè hai bên bờ hào thành, một số đoạn đã sạt lở, lòng hồ bị bồi lắng nhiều bùn rác, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Giờ đây Thành cổ Sơn Tây nằm gọn giữa lòng thị xã Sơn Tây. Do đó, cải tạo môi trường nước hồ và cảnh quan là việc cần được làm ngay.

Để Thành cổ Sơn Tây giữ được vị trí là một công trình văn hóa - lịch sử xứng tầm của cửa ngõ phía tây Hà Nội, UBND TP đã ra Quyết định số 679/QĐ-UBND (ngày 3-2-2010) giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH NN MTV Thoát nước Hà Nội chuẩn bị dự án đầu tư cải tạo đồng bộ các hồ nội thành, trong đó có Hào Thành cổ Sơn Tây. Ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, công ty đã khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng và đơn vị liên quan sớm hoàn thành bản đồ đo đạc tỷ lệ 1/500 của 14 hồ, trong đó có hồ Hào Thành cổ. Viện Quy hoạch Hà Nội đã cấp chỉ giới đường đỏ cho Hào Thành cổ từ ngày 1-3. Công ty cũng hoàn thành việc cắm mốc giới dự án, cắm biển thông báo nạo vét, cải tạo hào, bàn giao mốc giới và chuyển hồ sơ được duyệt cho chủ đầu tư là Handico trước lễ khởi công 10 ngày.

Ngày 17-3, ông Nguyễn Lam Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây khẳng định, thị xã đã bàn giao mặt bằng "sạch" cho Handico từ rất sớm. Đơn vị thi công có thể bắt tay vào việc ngay ngày khởi công để kịp tiến độ trước mùa mưa 2010. Vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia nên thị xã đã yêu cầu đơn vị thi công phải giữ nguyên trạng bằng đúng chất liệu đá ong. Năm 2003, hào đã được nạo vét và rà soát bom mìn, nên giờ đã sẵn sàng để thi công. Người dân và lãnh đạo thị xã Sơn Tây sẽ nỗ lực giữ gìn di tích lịch sử, bảo vệ môi trường nước của Hào Thành cổ sau khi công trình được hoàn thành.

Cải tạo xong trước mùa mưa 2010

Lãnh đạo Handico cho biết, Tổng Công ty rất vinh dự được thành phố giao là chủ đầu tư của dự án "Cải tạo môi trường Hào Thành cổ", bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 12 tỷ đồng. Handico sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành công trình đúng tiến độ, với chất lượng cao, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật của công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Hàng dừa bên Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt

Với tình cảm và trách nhiệm của một tổng công ty nhà nước trực thuộc thành phố, Handico luôn tích cực trong việc xây dựng, cải tạo cảnh quan đô thị Thủ đô, đặc biệt sẽ hoàn thành tốt việc cải tạo Hào Thành cổ để giúp môi trường thành phố thêm "Xanh - sạch - đẹp". Dự kiến, Handico sẽ nạo vét bùn lòng hào khoảng 13.300m3 trên tổng chiều dài hơn 1.700m, sửa chữa hơn 200m kè hào bằng đá ong. Công trình sẽ được hoàn thành sau 4 tháng thi công, trước mùa mưa lũ và kịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo đơn vị tư vấn thiết kế, do giới hạn của dự án, trước mắt, việc tu sửa các đoạn kè bị sạt lở để bảo đảm cảnh quan xung quanh hào, nạo vét, hút bùn cải tạo môi trường sinh thái và tạo điều kiện cho tiêu thoát nước là cần thiết; đồng thời sẽ khôi phục hệ thống cung cấp nước sông Hồng cho Hào Thành cổ. Do đó, quy mô của dự án chỉ giới hạn ở những hạng mục: Tu sửa, xây lại các đoạn tường kè hai bên bờ hào đã bị sạt lở; nạo vét bùn lòng hào. Việc sửa chữa kè hào sẽ sử dụng vật liệu đá ong và trát mạch bằng vữa ximăng mác cao. Việc nạo vét bùn sẽ thực hiện bằng giải pháp nạo vét bùn truyền thống là bơm nước vét bùn bằng thủ công kết hợp với cơ giới. Chủ đầu tư cho biết, bùn sẽ được xúc đổ lên xe ô tô thùng kín vận chuyển đến bãi rác thải Xuân Sơn cách khoảng 15km.

Việc sửa chữa, bảo dưỡng Hào Thành cổ không chỉ bảo tồn di tích lịch sử, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần làm đẹp thêm công trình của Hà Nội để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo hồ hào Thành cổ Sơn Tây: Không chỉ bảo tồn một di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.