Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trần Anh Hùng kể chuyện "Rừng Na Uy" bằng hình ảnh

Tuyết Minh| 01/12/2010 15:41

(HNMO)- Sau gần 2 năm thực hiện bộ phim, với sự nỗ lực đến mức kỳ công của đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất…nhằm mang đến một tác phẩm điện ảnh mang vẻ đẹp thẩm mỹ đích thực, phim “Rừng Na Uy” của đạo diễn Trần Anh Hùng sắp sửa ra mắt các khán giả yêu điện ảnh trên 36 quốc gia trong đó có Việt Nam.


(HNMO)- Sau gần 2 năm thực hiện bộ phim, với sự nỗ lực đến mức kỳ công của đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất…nhằm mang đến một tác phẩm điện ảnh mang vẻ đẹp thẩm mỹ đích thực, phim “Rừng Na Uy” của đạo diễn Trần Anh Hùng sắp sửa ra mắt các khán giả yêu điện ảnh trên 36 quốc gia trong đó có Việt Nam.

Đạo diễn Trần Anh Hùng (đạo diễn phim Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng) đã là người được tác giả cuốn tiểu thuyết đã chọn là người "chuyển thể" Rừng Na Uy từ tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh. Bộ phim quy tụ những diễn viên ưu tú của Nhật Bản và được kể lại một cách khác dù vẫn tôn trọng "nguyên bản".


Có không ít những lời đề nghị chuyển thể Rừng Na Uy thành tác phẩm điện ảnh của các đạo diễn tên tuổi, nhưng cuối cùng Murakami chọn Trần Anh Hùng là đạo diễn chính cho bộ phim. Sự lựa chọn của nhà văn kỹ tính người Nhật Bản này chắc chắn phải xuất phát từ niềm tin Trần Anh Hùng có thể làm tốt việc truyền tải vẻ đẹp của tác phẩm từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ của hình ảnh.

Những khán giả từng xem phim của Trần Anh Hùng, từng yêu thích những phối cảnh, những góc quay đặc biệt trong các bộ phim nhựa của anh sẽ dễ dàng nhận thấy một trong những đặc trưng trong ngôn ngữ điện ảnh của Trần Anh Hùng chính là khả năng dùng hình ảnh để lột tả những khía cạnh tình cảm, cảm xúc của nhân vật trong phim.


Với phim Rừng Na Uy, đạo diễn này cũng dành nhiều sự trau chuốt để có được những thước phim đẹp. Từng cảnh quay đều được tính tóan và chọn lựa kỹ lưỡng. Đạo diễn chia sẻ: “Tôi không tìm cách tái tạo những cảnh trong cuốn tiểu thuyết. Tôi muốn tìm những nơi để có thể ghi lại những hình ảnh rực rỡ nhất có thể”.

Trong cuốn tiểu thuyết, lần đầu Watanabe đến thăm Naoko ở trung tâm điều dưỡng là vào mùa thu, nhưng thời điểm này, các đồng cỏ ở Nhật Bản mọc quá cao. Vì thế, để có được bức nền cảnh cánh đồng cỏ đẹp nhất và lột tả chân xác nội tâm nhân vật, đạo diễn đã phải thay đổi mùa quay. Những bước chân hụt hẫng theo sau Naoko của Watanabe giữa đồng cỏ xanh mướt mờ sương như chính cảm xúc bối rối muốn được che chở cho Naoko mà dường như điều này là quá sức với anh.


Âm nhạc là một trong nhiều điểm nhấn làm nên thành công của tác phẩm điện ảnh Rừng Na Uy. Người viết nhạc cho bộ phim là Jonny Greenwood (thành viên nhóm Radioheads- từng được giải Grammy nhờ viết nhạc cho bộ phim There will be blood). Điểm mạnh trong âm nhạc của Jonny Greenwood là sự phong phú, hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại. Điều này sẽ tạo điều kiện mở rộng cảm quan và thế giới tinh thần của bộ phim.

Các nhân vật trong Rừng Na Uy thường rơi vào trạng thái tâm lý phức tạp và mâu thuẫn, âm nhạc vừa dịu dàng vừa da diết sẽ gợi mở cho khán giả khám phá chiều sâu của tâm lý nhân vật. Sự cầu kỳ của đạo diễn trong việc ghi những thanh âm của tiếng suối chạy tự nhiên, tiếng róc rách của nước, tiếng bước chân nhẹ trong gió sẽ là những điểm nhấn cho sự thăng hoa cảm xúc của bộ phim được mong chờ suốt 2 năm qua.


Theo Trần Anh Hùng chia sẻ, lần đầu tiếp cận tác phẩm văn học Rừng Na Uy, điều khiến anh ngay lập tức bị cuốn hút không chỉ bởi câu chuyện về đời sống người trẻ tuổi đi tìm ý nghĩa đích thực cuộc sống mà còn bởi yếu tố tính dục - những trải nghiệm tình dục của nhân vật chính trong quá trình tìm đến bản ngã đích thực của mình. Như đạo diễn nói: “Tôi muốn miêu tả điều này bằng những hình ảnh cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ là những khóai lạc dục tính mang tính dung tục”.


Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc “Rừng Na Uy” của ban nhạc The Beatles khi đang hạ cánh xuống sân bay Hamburg, bộ phim được đạo diễn Trần Anh Hùng kết cấu lại bằng điểm nhìn thì hiện tại, ở đó, các nhân vật được gắn kết với nhau theo tuyến tính thời gian. Điểm khác biệt này, như chia sẻ của đạo diễn, sẽ giúp người xem cảm nhận câu chuyện tình theo một hướng mới, đặc biệt là sự chân xác trong những cung bậc cảm xúc của những người trẻ tuổi: lúc mê say nhiệt thành mãnh liệt, lúc hoang vắng xót xa và cả những khoảng trống vô bờ trong lòng mà không sao lấp đầy.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trần Anh Hùng kể chuyện "Rừng Na Uy" bằng hình ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.