Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di sản Hán - Nôm: Cần đặt đúng vị trí trong đời sống văn hóa

Lâm Vũ| 07/02/2011 07:15

(HNM) - Khoa thi Hội cuối cùng của Nhà nước phong kiến Việt Nam năm 1919 đã chấm dứt 1000 năm lịch sử khoa cử Việt Nam gắn với Hán học. Từ đây, người Việt Nam chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ. Kho trí tuệ đồ sộ của dân tộc trải qua 1000 năm đã được ghi lại bằng chữ Hán và chữ Nôm có đóng góp gì cho đời sống văn hóa hôm nay?

.

- Có ý kiến cho rằng, số người quan tâm đến di sản Hán - Nôm rất ít vì nó không còn nhiều ý nghĩa với đời sống hôm nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Bức “Chiếu dời đô” bằng chữ Hán tại đền Đô (Bắc Ninh) được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: Nguyệt Ánh


- Số người quan tâm đến di sản Hán - Nôm không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Tuy nhiên, việc họ hiểu được di sản Hán Nôm như thế nào thì lại là chuyện khác. Ví dụ khi chúng ta mở hội đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất nhiều người đến xin chữ nhưng người ta chỉ biết chiêm ngưỡng chữ vì nó đẹp chứ không hiểu được chữ đó viết như thế nào, ý nghĩa ra sao. Chính vì vậy, tôi cho rằng phải từng bước làm cho người Việt Nam hôm nay hiểu được di sản Hán - Nôm, mà muốn thế thì nên dạy chữ Hán và chữ Nôm trong trường học. Nhưng dạy ở mức độ nào thì phải xem xét. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, những nước trước đây cũng sử dụng chữ Hán như nước ta, sau đó chuyển sang hệ chữ khác của người Nhật và của người Hàn, ngành giáo dục của họ có quy định khi tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp đại học thì học sinh, sinh viên phải biết bao nhiêu chữ Hán. Việt Nam mình thì không. Chính điều này đã tạo ra khoảng cách về mặt văn tự giữa cha ông mình với thế hệ hôm nay và tạo ra khoảng cách giữa văn hóa truyền thống, quá khứ và văn hóa đương đại.

- Ông có thể cho biết vai trò của di sản Hán - Nôm trong đời sống văn hóa hôm nay?

- Di sản Hán - Nôm đóng vai trò quan trọng với đời sống văn hóa hôm nay vì có quá khứ mới có hiện tại. Một dân tộc không hiểu quá khứ, dân tộc đó phát triển không trọn vẹn. Chữ Hán cùng với chữ Nôm là phương tiện để ghi chép toàn bộ tri thức của dân tộc trong quá khứ, về văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục, tôn giáo, tư tưởng… trong suốt một thời kỳ dài của dân tộc. Điều đáng tiếc là tri thức này hiện không được tận dụng đúng với giá trị vốn có. Đơn cử như, chúng ta đang xây dựng quy định làng văn hóa. Việc này trước đây cha ông ta đã làm nhiều lần. Làng xã trước đây đều có tục lệ, rồi hương ước. Nhưng những người xây dựng quy định làng văn hóa hiện nay không hiểu được tục lệ của làng xã mình trước đây đã được biên soạn như thế nào. Họ cũng không quan tâm tham khảo bộ tục lệ, hương ước của làng xóm hay những văn bản điển chế và những bộ luật kinh điển được cha ông ta xây dựng rất công phu. Đó là một điều rất đáng tiếc.

- Chúng ta đã khai thác được những gì trong kho tàng di sản Hán - Nôm đồ sộ của dân tộc?

- Chúng ta khai thác được nhiều nhưng nổi bật nhất là truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc qua các áng văn chương bất hủ như: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, những bộ sử đồ sộ như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, v.v..., những bộ địa chí khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia như: Dư địa chí, Đại Việt địa dư toàn biên, Hoàng Việt địa dư, Đại Nam nhất thống chí, Việt sử cương giám khảo lược... Chiến thắng của cuộc chiến tranh “thần thánh” của dân tộc ta vừa qua có thể nói cũng bắt nguồn từ đây.

- Ông có thể cho biết thực trạng học tập và nghiên cứu Hán - Nôm hiện nay?

- Tình trạng học tập chữ Hán - Nôm hiện nay đáng lo ngại. Ở bậc đại học, các ngành khoa học xã hội và nhân văn ngại đưa Hán - Nôm vào chương trình học, có ngành đưa vào học thì không có giáo trình chuẩn. Số người trẻ say mê học Hán - Nôm hiện nay ít, vì việc sử dụng tri thức Hán - Nôm đang là một vấn đề đáng quan ngại. Ngoài Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, những người học ngành Hán - Nôm đi những nơi khác ít được quan tâm, mặc dù ở các Sở Văn hóa đều có cơ quan bảo tàng, trung tâm quản lý di tích. Học Hán - Nôm đã rất khó, học xong đi tìm việc lại càng khó hơn. Đấy là chưa kể đến khi đi vào nghề, đời sống vật chất lại không cao. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách riêng cho những người làm công tác Hán - Nôm thì mới động viên được nhiều người đến với bộ môn này. Về tình hình nghiên cứu, số lượng người tham gia học tập còn hạn chế nên việc nghiên cứu, khai thác chưa được đẩy mạnh, chưa đáp ứng được nhu cầu của đời sống văn hóa hôm nay.

- Cần làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị của di sản Hán - Nôm, thưa ông?

- Trước hết, chúng ta phải đẩy nhanh xã hội hóa việc giữ gìn di sản Hán - Nôm bằng cách dạy chữ Hán và chữ Nôm trong trường học. Thứ hai là dịch nghĩa và công bố các tác phẩm Hán - Nôm. Cuối cùng là số hóa các văn bản Hán - Nôm và ở một chừng mực nào đó, đưa các tác phẩm có thể lên trang web để quảng bá tri thức Hán - Nôm một cách nhanh nhất cho cộng đồng, trước hết là cho người Việt. Tác động của di sản Hán - Nôm không trực tiếp như những ngành khoa học công nghệ khác, nhưng khai thác tri thức Hán - Nôm sẽ giúp người dân hiểu được truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời đặt nền móng cho văn hóa xã hội đương đại để hướng tới nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản Hán - Nôm: Cần đặt đúng vị trí trong đời sống văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.