Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vĩnh biệt phi đội Harrier

Minh Nhật| 27/12/2010 07:31

(HNM) - Từ căn cứ Không quân Hoàng gia Cottesmore ở Rutland (Anh), 16 chiếc chiến đấu cơ Harrier đã thực hiện lần cất cánh cuối cùng trên bầu trời ngày 15-12, đánh dấu cuộc chia tay đầy lưu luyến của Không quân Anh với máy bay tiêm kích được xem là niềm kiêu hãnh của lực lượng này hơn 4 thập kỷ qua.

Từng nhóm 4 chiếc Harrier bay vút lên không trung, vượt qua những đám mây màu xám và bay lượn qua 5 căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh gồm Wyton, Cranwell, Waddington, Scampton, Coningsby và các thành phố Stamford, Lincoln Oakham trong khoảng 90 phút. Màn trình diễn ấn tượng kết thúc bằng những cú hạ cánh hoàn hảo tại Cottesmore thay cho lời từ biệt của Harrier với gần 2.000 quan khách và nhiều thế hệ phi công đã gắn bó với loại phi cơ này.

Những thời khắc cuối cùng của Harrier trên bầu trời nước Anh.

Kế hoạch “nghỉ hưu” của Harrier được thực hiện theo đề xuất trong Chiến lược an ninh và quốc phòng của Anh được công bố vào ngày 20-10 vừa qua nhằm tiết kiệm 900 triệu bảng Anh (khoảng 1,4 tỷ USD). Đáng lẽ, Bộ Quốc phòng Anh dự định sẽ để phi đội Harrier "tại ngũ" cho đến năm 2018, thời điểm Không quân Anh bắt đầu nhận máy bay tiêm kích F-35 Lightning II của Lockheed Martin, Mỹ. Song, chủ trương cắt giảm chi phí do thiếu hụt ngân sách đã khiến Chính phủ Anh buộc phải từ bỏ nhiều chương trình tốn kém, dẫn tới việc chiến đấu cơ Harrier phải vĩnh biệt bầu trời sớm hơn dự định.

Harrier là loại máy bay phản lực đa chức năng có khả năng cất, hạ cánh theo chiều thẳng đứng và bay là là mặt đất như máy bay trực thăng. Ra mắt Không quân Anh vào năm 1969, dòng máy bay đặc biệt này là sản phẩm hợp tác có ý nghĩa giữa Mỹ và Anh trong một dự án có tên gọi AV-16 do Hawker-Siddeley và McDonnell Douglas cùng nghiên cứu. Tuy nhiên chi phí quá đắt trong việc phát triển động cơ của Rolls Royce đã làm người Anh rút lui khỏi chương trình. Thế nhưng, McDonnell Douglas không bỏ cuộc và tự đứng ra thực hiện dự án phát triển loại máy bay mà Mỹ đánh giá cao. Kết quả là chiếc Harrier AV-8B dành cho Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đáp ứng được nhu cầu về một máy bay tấn công mặt đất hạng nhẹ, tập trung vào trọng tải, tầm bay và bỏ qua tốc độ. Vào đầu thập niên 1980, Anh khởi động lại chương trình Harrier thế hệ thứ 2 của riêng mình dựa vào thiết kế của Mỹ để cho ra đời phiên bản Harrier GR.5. Trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 2003 đã có 824 chiếc Harrier thuộc nhiều phiên bản khác nhau được sản xuất.

Có khả năng bay với tốc độ đến 1.070km/h, bán kính chiến đấu 556km, Harrier được trang bị pháo 25mm với 300 viên đạn cùng giá treo 7 điểm gồm bom, tên lửa, hệ thống ngắm mục tiêu litening và hệ thống vũ khí thông minh. Được xem là loại vũ khí tinh xảo và có khả năng tác chiến đặc biệt, có thể tiếp cận những mục tiêu mà những loại máy bay tiêm kích khác không thể thực hiện, Harrier đã có mặt ở hầu hết những chiến trường quan trọng như chiến tranh vùng Vịnh, Bosnia, Kosovo, Siera Leon và Afghanistan.

Tuy nhiên, cho dù Anh loại bỏ Harrier huyền thoại khỏi biên chế của không quân, trên thế giới vẫn còn 4 nước sử dụng loại chiến đấu cơ linh hoạt này. Dẫn đầu là Mỹ với 99 chiếc, Italia sở hữu 15 chiếc, Tây Ban Nha sử dụng 13 chiếc và Ấn Độ có 11 chiếc. Trong khi Mỹ, Italia và Tây Ban Nha đang sử dụng loại AV-8B Harrier II, phiên bản do Mỹ phát triển dựa trên Harrier đời đầu của Hawker Siddeley thì Hải quân Ấn Độ sử dụng loại Sea Harrier, phiên bản trên hạm của Harrier thời 1960.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh biệt phi đội Harrier

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.