Theo dõi Báo Hànộimới trên

An ninh lương thực: Vấn đề bức thiết

Đào Huyền| 13/11/2010 08:14

(HNM) - Giải quyết vấn đề an ninh lương thực, tìm ra giải pháp mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa sức mạnh của cây lúa là vấn đề chính được 1.700 nhà quản lý, khoa học, nhà hoạch định chính sách, nông dân... hàng đầu về ngành lúa gạo của 60 quốc gia bàn bạc trong suốt 5 ngày diễn ra Hội nghị lúa gạo quốc tế lần thứ 3.

Bốc xếp gạo tại Cần Thơ. Ảnh: Anh Tuấn


Theo nhận định của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), nạn thiếu lương thực trên thế giới đang đe dọa cuộc sống của hơn 100 triệu người, thế giới cần thêm 50 triệu tấn gạo vào năm 2015 mới đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, vấn đề liên kết, phát triển sản xuất lúa gạo giữa các quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Việc bảo đảm an ninh lương thực của các nước đã không còn nằm trong khuôn khổ của từng quốc gia mà trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, hướng tới bảo đảm "lúa cho thế hệ tương lai".

Hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Việt Nam phát triển sản xuất lúa gạo hiệu quả, bền vững góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. "Sản lượng lúa chiếm trên 90% sản lượng của các cây lương thực có hạt, liên quan đến việc làm và thu nhập của khoảng 80% số hộ nông dân. Lúa gạo cung cấp khoảng 60% năng lượng trong khẩu phần ăn của người dân. Vì vậy, cây lúa, hạt gạo luôn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia"- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại hội nghị. Khái quát về những thành tựu của cây lúa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong hơn 20 năm qua, năng suất và sản lượng lúa đã tăng gấp 2 lần, hiện nay năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha một vụ, riêng vụ đông xuân, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Lông và Đồng bằng sông Hồng đã đạt 7 tấn/ha/vụ. Những biến chuyển này đã đưa Việt Nam từ một nước nhiều năm thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2  thế giới. Trong 22 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu trên 75 triệu tấn gạo, trị giá 23 tỷ USD.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể song sản xuất lương thực của Việt Nam, trong đó có lúa gạo đang đứng trước nhiều khó khăn. Việt Nam cũng đang nằm trong vòng xoáy của tác động tăng dân số, đất nông nghiệp bị suy giảm, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh xảy ra với tần suất ngày càng cao và khốc liệt. Để Việt Nam và thế giới giải quyết được bài toán an ninh lương thực, Tiến sĩ Tô Phúc Tường, chuyên viên khoa học cao cấp của IRRI cho rằng, các quốc gia phải cùng nhau hỗ trợ, ứng dụng một cách toàn diện nhất tiến bộ trong di truyền, sinh học và công nghệ thông tin vào ngành sản xuất lúa gạo. Những năm trở lại đây tiến bộ trong ngành khoa học lúa gạo đã giúp năng suất lúa trên thế giới tăng gấp đôi, góp phần đẩy lùi nạn đói. Chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, để bảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam đã tiến hành hàng loạt các giải pháp như: cải cách sâu rộng theo cơ chế thị trường; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường đầu tư cho hệ thống thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho trên 70% diện tích trồng lúa. Nhờ chương trình này, đã tạo điều kiện ngọt hóa 2 triệu hécta đất phèn, ngăn mặn và giữ ngọt để gieo trồng 2-3 vụ lúa/năm.

Hội nghị lúa gạo quốc tế lần 3 diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang phải hứng chịu hàng loạt thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Hơn lúc nào hết hiện vấn đề an ninh lương thực đã trở nên bức thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An ninh lương thực: Vấn đề bức thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.