Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán giao thông đô thị

Hải Yến| 25/05/2011 07:02

(HNM) - Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, phải mất 10 đến 15 năm nữa TP mới có hệ thống vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn như tramway, monorail, metro. Như vậy những năm tới, xe buýt vẫn là lực lượng chủ lực!

Ưu tiên vận tải hành khách công cộng

Để đạt mục tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình chống ùn tắc giao thông mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh; phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, ưu tiên giao thông công cộng sức chở lớn. Muốn vậy, TP phải nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu trên địa bàn thành phố; đồng thời tiếp tục huy động nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng đường vành đai, đường xuyên tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị (metro, tramway, monorail) và các công trình giao thông tĩnh (bến xe, bãi đậu xe…).

Đại lộ Võ Văn Kiệt và hệ thống cầu vượt đã góp phần giảm áp lực giao thông tuyến đường  xuyên trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay trong năm nay, chính quyền TP chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các phương án tổ chức giao thông theo hướng hạn chế sử dụng xe cá nhân; trong đó, biện pháp chính là cấm xe trên một số tuyến đường và thu phí tham gia lưu thông. Theo đó, sẽ thí điểm việc cấm mô tô, xe gắn máy và ô tô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định. Bên cạnh đó, sẽ triển khai hệ thống thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị đối với xe cá nhân. Cụ thể sẽ triển khai việc thu phí đỗ xe đô thị theo hướng mức phí đỗ xe tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm; triển khai hệ thống thu phí điện tử đối với xe ô tô sử dụng đường trong khu vực trung tâm TP, thí điểm việc điều chỉnh tăng mức thu các loại phí liên quan đến đăng ký mới và lệ phí lưu hành của xe cá nhân…

"Đẩy" nhanh các dự án hạ tầng

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, trong quý I-2011, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 14 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Đây quả là vấn nạn của đô thị lớn nhất nước này. Để giải quyết bài toán giao thông, từ nay đến năm 2015, TP sẽ làm mới đưa vào sử dụng khoảng 210km; mật độ đường giao thông đến năm 2015 đạt 1,87km/km²; đến năm 2020 đạt 2,17km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đến năm 2015 đạt 8,18%; đến năm 2020 đạt 12,2%. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2015 đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại; đến năm 2020 đáp ứng được 30% nhu cầu đi lại. Song song đó giảm 5% số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông như đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, Liên tỉnh lộ 25B, cầu Sài Gòn 2…, TP còn chú trọng triển khai hệ thống thu phí đậu xe trong khu trung tâm, nghiên cứu các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, TP cũng đầu tư cải tạo các nút giao thông quan trọng như ngã tư Hàng Xanh, bùng binh Cây Gõ, vòng xoay Dân Chủ, Phú Lâm, An Lạc, Lăng Cha Cả, ngã tư An Sương, các nút giao trên đường Nguyễn Văn Linh… Ngoài việc phát triển và kiện toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng, TP sẽ tổ chức các tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn.

Việc xây mới và đưa vào sử dụng 50 cây cầu là một trong những chỉ tiêu quan trọng mà TP hướng tới trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2020. TP cũng cho phép nghiên cứu thực hiện một số tuyến đường có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT); đầu tư thêm xe buýt mới; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển xe buýt phục vụ người khuyết tật, xe buýt thân thiện với môi trường... Phấn đấu đạt được mục tiêu vận tải hành khách công cộng chiếm 25 - 30% trong tổng nhu cầu đi lại của nhân dân. TP cũng sẽ xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng Nhà nước tập trung vốn đầu tư cho giải phóng mặt bằng và có chế độ miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác như taxi, xe ôm cũng được khuyến khích phát triển ở mức độ hợp lý; ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện vận tải thủy thân thiện môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán giao thông đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.