Theo dõi Báo Hànộimới trên

30 năm đi kiếm tìm hài cốt đồng đội

THUHANG| 06/03/2005 18:03

(HNMĐT) - 76 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, được trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, 5 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, cùng nhiều huân huy chương các loại, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò là Đội trưởng Đội tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện K'Bang - Tây Nguyên...

(HNMĐT) - 76 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, được trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, 5 Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, cùng nhiều huân huy chương các loại, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò là Đội trưởng Đội tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện K'Bang - Tây Nguyên vì hàng chục năm căng bạt ngủ đất, lang thang lần từng gốc cây, mô đất trong rừng đại ngàn Tây Nguyênkiếm tìm hài cốt đồng đội để đưa họ trở về với gia đình, quê hương hoặc an táng nơi nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Nhân dịp ông ra thăm Thủ đô, Hànộimới Điện tử đã có dịp trao đổi với Đại tá Nguyễn Minh Sang - con người chí nghĩa, chí tình ấy.

- Được biết ông không phải là người sinh ra ở Tây Nguyên, vậy cơ duyên nào đã khiến ông gắn bó với mảnh đất này?

- Tôi sinh ngày 1-3-1929 ở Đức Phổ - Quảng Ngãi. Tôi tham gia Cách mạng ngày 1-1-1945,thì đến 11-3-1945 được lệnh cùng đội du kích Ba Tơ tham gia tổ chức cướp chính quyền, cướp tù chính trị cách mạng. Sau đó tôi là đội trưởng đội cảm tử Chi Lăng, rồi vào quân đội chủ lực.Những năm sau đó, tôi được cử sang Trung Quốc, Liên Xô để học, rồi được ra miền Bắc, làm giáo viên Chính trị ở trường Sĩ quan Lục quân 1. Trước tình hình Mỹ đưa quân ồ ạt vào đánh phá chiến trường miền Nam Việt Nam, tôi được chọn trở về Nam công tác. Vào một đêm tháng 1/1960, đoàn 100 cán bộ chúng tôi (còn gọi là đoàn một trăm) vinh dự được Bác Hồ ôm hôn, ân cần căn dặn từng người trước khi lên đường. Riêng tôi được cử làm cán bộ tổ chức của đoàn thì được Bác dặn thêm: "Bác đặt cho cháu tên là Minh để cháu hết sức minh mẫn, sáng suốt". Là đoàn chủ lực, được đào tạo bài bản đầu tiên cho chiến trường Trung Trung Bộ, nên chúng tôi vừa tham gia phối hợp với các đơn vị trong nhiều trận đánh lớn, vừa tranh thủđào tạo, huấn luyện cho các cán bộ, chiến sĩ. Liên miên hết chiến dịch này sang chiến trường khác, và cuối cùng là mảnh đất Tây Nguyên này.

Trong trận tập kích Trường Huấn luyện biệt kích K'Nak (Tây Nguyên) không thành công, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Khu căn cứ này nằm trên độ cao 15 - 30 mét so với xung quanh, được bảo vệ bằng nhiều lớp giao thông hào, 5 lớp rào kẽm gai, gài xen kẽ rất nhiều mìn, lựu đạn, mìn chiếu sáng các loại. Từ căn cứ này, Mỹ -nguỵliên tục mở các đợt càn quét, gom dân lập "ấp chiến lược" ở khu Kon Hà Nừng, xã Đông, Tụ Thủy, đồng thời phục kích ngăn chặn lực lượng vũ trang của ta hành quân từ Đông Gia Lai xuống Bình Định, từ Tây Bình Định vào Tây Phú Yên. Khu căn cứ này còn là nơi thường xuyên huấn luyện kỹ chiến thuật biệt kích chủ yếu là lính người Thượng. Đêm 7/3/1965, Tiểu đoàn đặc công 409 với sự chi viện của Tiểu đoàn 4 và lực lượng dân quân du kích địa phương được lệnh tiến công khu căn cứ này (khi đó ông Nguyễn Minh Sang là Chính trị viên tiểu đoàn bộ binh dự bị - PV). Mặc dù công tác bảo mật cho trận đánh luôn được quán triệt, nhưng do chủ quan, khinh xuất, đánh giá thấp địch nên đã để lại dấu vết khiến địch phát hiện được và tập trung lực lượng chi viện từ các cứ điểm lân cận chủ động đối phó. Vì vậy mà trong trận đánh này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, nhiều người hy sinh khi còn rất trẻ, trong đó có Đại úy Ngô Trọng Đãi - chính trị viên Tiểu đoàn đặc công tinh nhuệ 409 thuộc Quân khu 5, người Đà Nẵng, là bạn chí cốt của tôi.

- Cũng vì nghĩa tình với đồng đội đã từng đồng cam cộng khổ, anh dũng hy sinh, nên khi chiến tranh vừa kết thúc, ông đã tình nguyện ở lại mảnh đất Tây Nguyên?

- Đúng ra là sau Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Đông Dương, thì năm 1973 tôi đã xin được đưa Trung đoàn 20 Quân khu 5 ra bảo vệ căn cứ K'Nak, mà chủ yếu là tìm kiếm hài cốt đồng đội mình. Đến năm 1976, tôi chính thức vừa là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 332 Quân khu 5, vừa là Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng K'Nak - Tây Nguyên. Mặc dù công việc những ngày này khá bận rộn. Ban ngày lo lao động sản xuất, đêm lo tiễu trừ Fulrro, nhưng không ngày nào tôi không vào rừng thắp hương từng gốc cây, mô đất cho đồng đội. Thấy bất kỳ mô đất nào hơi nhô cao hoặc có dấu hiệu khác thường là tôi đào, vừa đào vừa khóc, vừa gọi tên các đồng đội, đồng chí mình. Cứ thế, cứ thế, đào cho đến mệt nhoài, mặc dù biết chắc rằng công việc của mình cũng chỉ như mò kim đáy bể mà thôi, vì rừng Tây Nguyên hồi đó là rừng nguyên sinh rộng lớn và rậm rạp vô cùng. Còn hổ báo, rắn rết thì nhiều không kể xiết. Chúng tôi cũng đã mời những người trực tiếp làm công tác mai táng liệt sĩ, trong đó có ông Nguyễn Trọng Ẩm - hồi 1965 là Chính trị viên phó tiểu đoàn, người trực tiếp phụ trách công tác thương vong tử sĩ, nhưng cũng không thể nhận ra vị trí chôn cất ở đâu. Đến năm 1989, trong một lần "đi rừng" như thế, tôi gặp Phạm Văn Mẫn từ Hà Nội vào tìm hài cốt người anh trai mình là Phạm Văn Thành. Trước đó, anh Mẫn đã hàng chục lần lang thang khắp các chiến trường, khắp các nghĩa trang, từ Quảng Trị, Tây Ninh, Tây Nguyên... nhưng không thấy. Nghe kể, tôi xác định ngay liệt sĩ Phạm Văn Thành đã hy sinh trong trận đánh K'Nak tháng 3 năm ấy và chúng tôi cùng vạch ra kế hoạch tìm kiếm hiệu quả hơn.

- Và chính điều đó đã làm công cuộc tìm kiếm của ông không còn đơn lẻ nữa? Thưa ông?

- Đúng thế. Chúng tôi liên hệ với Bộ Quốc phòng xin lại cứ liệu lịch sử về trận đánh, xin lực lượng hỗ trợ tìm kiếm... Và rất may là được Thượng tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN, Trưởng đoàn tìm kiếm liệt sĩ của Bộ Quốc phòng nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện. Nhưng phải đến tháng 3/2002, một đoàn tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ quy mô lớn mới chính thức được thành lập. Điều may mắn thứ hai là chúng tôi được sự hỗ trợ đặc biệt hiệu quả và nhiệt tình của các cán bộ và các nhà ngoại cảm của bộ môn Cận Tâm lý - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người. Nhờ sự giúp đỡ này mà việc tìm kiếm của chúng tôi đã được định hướng, chính xác tới từng vị trí hài cốt. Đến nay, chúng tôi đã tìm thấy 191 hài cốt liệt sĩ, xác định chính xác được danh tính, quê quán nhiều người để trao trả cho gia đình. Công việc này sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2005 này.

- Nghe nói có những lần ông phải "ăn vạ" ở nhà người ta mấy ngày liền chỉ để thuyết phục tạm thời đóng đập nước phục vụ việc tìm kiếm hài cốt?

- Không phải chỉ là mấy ngày mà cả tháng trời, tôi phải đi lên huyện, rồi lên tỉnh, thuyết phục từ chủ tịch đến bí thư. Thuyết phục xong thì họ lại bảo phải được sự đồng ý của dân. Thế là tôi lại phải đến từng nhà dân (chủ yếu là người dân tộc Ba Na) đang sống bằng nguồn nước đó để thuyết phục. Đến khi thuyết phục được dân rồi, có chữ ký hẳn hoi, thì ông kỹ sư phụ trách đập lại nhất định không chịu, lấy cớ là ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến mùa màng... Tôi đành dùng "hạ sách" đó.Suốt 4 ngày liền nhịn đói, nhịn khát. Anh ta mời nước tôi không uống, mời cơm tôi không ăn. Cuối cùng thì thuyết phục được. Đây là con đập do Liên Xô giúp ta xây dựng từ những năm 80, lấy nước từ suối Đắk Lôp phục vụ cho đồng bào dân tộc khu vực này. Nhưng điều trớ trêu là con đập này lại đi qua 8 hài cốt liệt sĩ, chính vì vậy mà nhiều người xương cốt đã không còn đầy đủ, nguyên vẹn.Sở dĩ phải thuyết phục bằng được vì công việc tìm kiếm chỉ có thể tiến hành vào mùa khô, còn mùa mưa ở Tây Nguyên dữ dội lắm, có thể xói lở cả nhà cửa, đất đai, biến đổi mọi vật. Do đó, khi nào phát hiện có hài cốt là phải tranh thủ đào cả ngày cả đêm trước khi cơn mưa rừng ập đến. Căng bạt, nằm đất, gặp hổ báo, vắt cắn, muỗi đốt, sốt rét hoặc có nguy cơ vấp phải bom, mìn... gây sát thương là chuyện bình thường với chúng tôi.

- Điều an ủi lớn nhất là trong số 191 hài cốt được tìm thấy có cả người bạn chí cốt của ông là liệt sĩ Ngô Trọng Đãi và liệt sĩ Phạm Văn Thành - anh của anh Mẫn. Vậy thì lý do gì khiến ông và anh Mẫn vẫn tiếp tục đặt cho mình kế hoạch tìm kiếm tiếp những liệt sĩ còn lại vào năm 2005 - Một công việc không hề dễ dàng, đơn giản chút nào?

- Đúng là đi tìm hài cốt liệt sĩ giữa một trận địa đầy bom mìn và hóa chất độc hại thật chẳng dễ dàng chút nào, vì cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Nhiều lần chúng tôi phải bới đất bằng tay đến bật cả móng, máu tứa ra từ các đầu ngón tay mà không dám dùng đến cuốc xẻng để tìm hài cốt đồng đội mình không bị vụn vỡ, không bị bom mìn phá huỷ. Chỉ có điều duy nhất thôi thúc chúng tôi - đó chính là nghĩa tình của những người còn sống với đồng đội, đồng chí đã khuất. Những liệt sĩ còn lại, dù chúng tôi chưa một lần được biết mặt, biết tên, nhưng họ đều là những đồng chí, đồng đội của chúng tôi, đều đã hy sinh vì đất nước. Ai đã là người lính, đã trải qua những ngày tháng khốc liệt trong chiến tranh mới thấy tình cảm thương nhau hơn ruột thịt của những người lính chúng tôi. Sẵn sàng chia nhau từng mẩu sắn, từng ngụm nước, manh áo trong khi mình đang đói, đang rét, đang khát. Thậm chí sẵn sàng nhận phần hy sinh thay cho đồng đội. Kết thúc chiến tranh, mình còn lành lặn, vẹn nguyên, vậy mà họ, khi xưa là những chàng trai mạnh khoẻ, cao lớn, giờ đây, đến một nắm xương tàn được chôn trên chính mảnh đất quê hương để an ủi những người cha, người mẹ, người vợ, người con cũng không có. Người Việt Nam mình quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận" nên mộ phần của người đã khuất luôn là điều day dứt lương tâm đối với các thành viên trong gia đình, họ tộc. Chính vì vậy, khi tìm được hài cốt nào, chúng tôi lập tức báo tin cho gia đình biết. Nhiều gia đình hoàn cảnh quá khó khăn, chúng tôi lại quyên góp nhau để hỗ trợ tiền tàu xe, ăn nghỉ, an táng cho được mồ yên mả đẹp. Mỗi lần chứng kiến gia đình liệt sĩ xúc động nghẹn ngào khi nhận được hài cốt người thân là chúng tôi lại cảm thấy như lòng mình được thanh thản, được an ủi nhiều. Trên tấm áo của Đội tình nguyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chúng tôi có in câu "Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội" để luôn nhắc nhở, động viên nhau, nhất là những lúc gặp khó khăn.

Điều tôi tâm đắc nhất là việc đi tìm hài cốt liệt sĩ đã thức tỉnh được lương tâm của rất nhiều người. Một số người trước đây lầm đường theo giặc hoặc thuộc thành phần bất hảo ở địa phương, nay cũng hăng hái tình nguyện gia nhập đội mặc dù công việc thì vất vả, nguy hiểm lại không hề có thù lao. Thay mặt Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã viết thư cho đội, trong đó có đoạn: "Mặc dù sau 39 năm di hài các liệt sĩ đã bị phân hủy, tàn phá của thời gian và sự xáo trộn địa hình của con người, việc tìm kiếm vô cùng khó khăn, song với tình cảm đồng đội sâu sắc, lòng quyết tâm và bản tính vốn có của "Người lính Cụ Hồ", các đồng chí đã kiên trì tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ. Đó là việc làm vô cùng thương liêng, cao cả, mang đầy tinh nhân văn và tính giáo dục, thể hiện rõ nét truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói riêng, nêu cao truyền thống cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẵn sàng xả thân vì Nước, vì nghĩa cử cao đẹp, vì tình nghĩa đồng đội thời chiến cũng như thời bình". Sắp tới đây, huyện K'bang sẽ cho xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tại đồi thông - nơi trận đánh diễn ra tháng 3/1965. Đó cũng là những lời động viên hết sức quý báu đối với chúng tôi trong hành trình này.

- Xin cảm ơn ông và xin chúc ông sớm hoàn thành tâm nguyện của mình.

Thu Hằngthực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
30 năm đi kiếm tìm hài cốt đồng đội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.