Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sợi chỉ diệu kỳ và người thầy thuốc tài hoa

Phương Nhi| 17/02/2010 06:59

(HNM) - Bình dị như bao người phụ nữ Việt Nam khác, nhưng người phụ nữ ấy đã được tạp chí uy tín nhất của Hunggari "Ki So-đa Ki" (Ai là Ai) bình chọn là một trong hai người châu Á tiêu biểu nhất của năm. Nhiều kênh truyền hình trên thế giới cũng đã giới thiệu phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh, một kỹ thuật mà chị đã cần mẫn, miệt mài học hỏi, theo đuổi và phát triển trong gần 20 năm qua.

Việt Nam modszer - phương pháp Lê Thúy Oanh

Ở châu Âu, nói đến phương pháp chữa bệnh phương Đông người ta nhắc tới Trung Quốc. Nhưng từ năm 1992, trong danh tự y học Hunggari đã xuất hiện cụm từ mới "Vietnam modszer" (phương pháp Việt Nam) để chỉ phương pháp cấy chỉ của bác sĩ Lê Thúy Oanh.

Bác sĩ Lê Thúy Oanh.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, yêu thích ngành y từ nhỏ, chị thi vào Học viện Quân y. Năm 1982, chị về công tác tại Viện Quân y 91 và đã thành công trong điều trị cho nhiều bệnh nhân bằng phương pháp cấy chỉ. Phương pháp châm cứu đặc biệt bằng cách đưa chỉ tự tiêu vào kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài và tạo nên tác dụng như châm cứu của chị là một bước tiến trong kỹ thuật châm cứu nhờ sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Nó có tác dụng chữa trị nhiều bệnh như đau khớp, hen phế quản, viêm thần kinh tọa, béo phì, phục hồi trí nhớ...

Hai thời điểm đáng nhớ và được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp của chị là chuyển về Viện Châm cứu Việt Nam và được công tác cùng "cây đại thụ" của ngành châm cứu, Giáo sư Nguyễn Tài Thu và nhận lời làm chuyên gia giảng dạy, điều trị tại Hội điều trị bằng các phương pháp tự nhiên Hunggari, Viện Châm cứu và phục hồi chức năng Yamamôtô, Buđapét, Viện Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng trẻ em Đêbrêxen vào năm 1990. Kinh nghiệm và lòng say mê đã thôi thúc chị cải tiến cây kim dùng trong cấy chỉ để giúp cho bệnh nhân đỡ đau, thực hiện được trên trẻ dưới 3 tuổi và có thể cùng một lúc cấy chỉ ở nhiều huyệt hơn cây kim cong truyền thống.

Đầu năm 90, kim cải tiến được sử dụng và sản xuất tại Hunggari với nhiều kích cỡ khác nhau có thể điều trị cho trẻ chỉ hơn 1 tháng tuổi; dùng được cho các vùng nhạy cảm như mặt, quanh mắt, tai, hiếm khi gây chảy máu và không phải gây tê trước, ngay cả với các cháu nhỏ; một lần cấy có thể làm tối đa đến 30 huyệt. Từ năm 1990 cây kim này liên tiếp phát huy tác dụng, chữa được nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo mang lại sức thuyết phục cao cho cấy chỉ Việt Nam. Uy tín và tài năng của chị đã vượt ra khỏi biên giới Hunggari. Nhiều nước có nền y học phát triển như Pháp, Đức đã mời chị đến giảng dạy và chữa trị bằng cấy chỉ Việt Nam - phương pháp Lê Thúy Oanh.

Gian nan một hành trình

Chị Oanh cho biết nếu chỉ chú ý xác định vị trí huyệt mà không chú ý tới thủ pháp thì châm đúng huyệt, bệnh vẫn không khỏi. Khác với châm cứu là khi châm có thể điều chỉnh lại độ nông, sâu, hướng kim châm theo ý muốn nhưng với cấy chỉ thì khác. Chỉ có thể chỉnh kim khi chưa đẩy chỉ vào huyệt. Vì vậy, ngoài việc chẩn đoán, chọn huyệt, yếu tố quan trọng là phải đưa chỉ vào huyệt một cách chính xác, đòi hỏi một kỹ năng điêu luyện.

Năm 2004, bác sỹ Oanh xúc tiến thành lập bệnh viện tư nhân đầu tiên của người nước ngoài ở Buđapét. Chị kể: Vất vả lắm để được cấp phép, nhưng quá trình xây dựng bệnh viện cũng không kém gian nan. Thuê kỹ sư Hunggari thiết kế, xây dựng theo đúng tiêu chuẩn nước bạn nhưng khi bệnh viện hoàn thành, các cơ quan chức năng lại yêu cầu phải theo tiêu chuẩn châu Âu bởi trong 2 năm ấy Hunggari đã vào Liên minh châu Âu (EU). Cả một cơ ngơi khang trang, sắp đi vào hoạt động, giờ phải bóc tách, đào bới xây lại theo đúng tiêu chuẩn EU, tất cả lại trở thành công trường xây dựng. Nhưng rồi, Viện Cấy chỉ Việt Nam rộng 2.000m2, có nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy và điều trị, đã thu hút khoảng 700 đến 900 bệnh nhân mỗi tháng, đào tạo 170 bác sỹ trong 3 năm...

Thành công của viện, thành công của phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh không những là niềm vinh dự cho cộng đồng người Việt mà còn là sự khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của một thầy thuốc Việt Nam.

Một tâm nguyện ngày xuân

Gần 20 năm nghiên cứu và sáng tạo ở nước ngoài, điều mà bác sĩ Lê Thúy Oanh trăn trở vẫn là sự phát triển của phương pháp cấy chỉ tại quê hương. Trong khi châm cứu đã rất phổ biến ở Việt Nam thì cấy chỉ vẫn còn hạn chế mặc dù có những ưu điểm vượt trội như không mất thời gian châm cứu hằng ngày mà chỉ 3 tuần thay chỉ một lần và phương pháp này có tác dụng đặc biệt đối với các bệnh mạn tính, các bệnh khó mà châm cứu không giải quyết được như liệt do teo thần kinh cơ, tự kỷ ám thị, đao...

Chị Oanh tâm sự: "Việt Nam có thuận lợi so với nhiều nước khác là sinh viên y khoa đều được học về châm cứu. Đó là thuận lợi trong việc bồi dưỡng thêm về phương pháp cấy chỉ. Tôi mong muốn được góp sức mình trong việc điều trị bệnh bằng phương pháp này cho người Việt Nam". Từ năm 1999 đến nay, bác sĩ Lê Thúy Oanh đã hướng dẫn phương pháp cấy chỉ cho Viện Y học dân tộc Trung ương. Năm 2007-2008, cùng với các cộng sự của mình, chị đã hướng dẫn cấy chỉ và tài trợ tiền, dụng cụ và kim chỉ cho làng Hữu nghị Vân Canh để chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm chất độc da cam.

Ngày xuân, người ta thường có nhiều mong muốn và với Lê Thúy Oanh, việc mỗi thành phố có một trung tâm cấy chỉ để nhân rộng và phát triển phương pháp này nhằm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng là một mong muốn cháy bỏng. Ấy cũng là tấm lòng của một người con hướng về đất Mẹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sợi chỉ diệu kỳ và người thầy thuốc tài hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.