Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc gặp gỡ hạnh phúc

ANHTHU| 07/11/2006 08:23

Ra đời từ ý tưởng tốt đẹp của một thanh niên Bỉ, Tổ chức phi chính phủ Donxa ngày càng phát triển, được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người Bỉ, Đức và các nước châu Âu...

Ông Jan Genkens chở con nuôi đi chào bà con trong xóm.

Ra đời từ ý tưởng tốt đẹp của một thanh niên Bỉ, Tổ chức phi chính phủ Donxa ngày càng phát triển, được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người Bỉ, Đức và các nước châu Âu...

Từ nguồn chia sẻ của những tấm lòng nhân hậu ấy, không ít trẻ em nghèo có cơ hội đến trường, trẻ em khuyết tật được chăm sóc, chữa trị... Trong đó, Chương trình Hỗ trợ tài chính cho trẻ em nghèo khó đã thành công hơn sự mong đợi của những người thực hiện.

26-10 là một ngày đặc biệt. Đây là lần thứ 9 kể từ năm 2002, Donxa trao học bổng cho trẻ em nghèo xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), và là lần đầu tiên những người cha, người mẹ đỡ đầu cho chương trình từ Bỉ sang thăm con tại Việt Nam. Trước đó, họ chỉ biết những đứa trẻ được họ gửi tiền cho đi học, chữa bệnh, giúp đỡ gia đình... qua ảnh và những bức thư điện tử được dịch ra tiếng Anh. Để có chuyến đi này, họ đã chuẩn bị từ khá lâu, tìm hiểu truyền thống văn hóa Việt Nam, sở thích, hoàn cảnh của con nuôi, để mua những món quà thiết thực và có ý nghĩa nhất. Hồ hởi và háo hức, họ nắm tay, ôm hôn những đứa trẻ như những người thân đã lâu không gặp mặt.

Bé Nguyễn Thùy Linh (trái) ngồi cạnh mẹ nuôi Liesbeth Van Bael.

Anny Steurs 53 tuổi, là giám đốc một Cty kinh doanh bất động sản. Bà tâm sự: “Cách đây mấy năm, tôi bị ốm một trận khá nặng. Qua biến cố trầm trọng ấy, tôi thấy đồng cảm hơn với những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những đứa trẻ nghèo. Quen biết với Roby - Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Donxa - trong một buổi nói chuyện về chương trình nhân đạo của Donxa, tôi tham gia tài trợ cho cháu Đồng Đạo Lâm (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) ăn học. Lần này tôi sang Việt Nam, vừa thăm con nuôi, vừa có ý định tìm hiểu để tài trợ cho một bé khác ở xã Trung Châu (huyện Đan Phượng, Hà Tây)”. Bố của Anny là Jan Steurs (72 tuổi) cũng đỡ đầu cho cháu Thiều Thị Mến (thôn 11, xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Tây) từ khi chương trình bắt đầu hoạt động. Ngoài khoản học bổng, cả hai cha con Anny đều thường xuyên trợ giúp thêm: làm cửa gỗ, mua bò lai Sind, bàn ghế, xe đạp... để gia đình con nuôi bớt phần khó khăn. Qua thư gửi bố mẹ nuôi, cháu Mến tâm sự rằng mình rất muốn được học nhạc để trở thành cô giáo dạy nhạc, vì em có giọng hát khá tốt. Nguyễn Ngọc Tú (thôn 2, xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Tây) thức suốt đêm để kịp vẽ xong bức tranh tặng mẹ nuôi thì ước ao trở thành họa sĩ. Đến thăm các cháu, bố mẹ đỡ đầu trao đổi với gia đình tìm cách trợ giúp cho các cháu học nghề theo đúng năng khiếu, nguyện vọng .

Ông Jan Geukens (47 tuổi) lànhà giáo chuyên ngành tư vấn giao tiếp, liên kết. Thăm con nuôi của mình là Nguyễn Phú Vinh (thôn Nội, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Tây), ông vô cùng xúc động khi được rất nhiều người làng chờ đón. Chào hỏi mọi người xong, ông chở Vinh trên chiếc xe đạpđi chào tất cả bà con trong xóm.

Từ phút bỡ ngỡ ban đầu, những đứa trẻ và gia đình nhanh chóng trở nên gần gũi, thân thiết với những người đỡ đầu ở châu lục xa tít tắp. Những món quà quê được chào mời nồng hậu: Trà xanh, xôi đậu xanh, ngô luộc, trái cây... Trong cuộc đời của những đứa trẻ, thế giới mở ra với bao điều lạ lùng, nhân ái nhờ có sự trợ giúp của cha mẹ, cộng đồng, người đỡ đầu.

Nguyễn Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc gặp gỡ hạnh phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.