Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Hình ảnh một thầy giáo chống tiêu cực

Vân Vũ| 08/06/2010 06:13

LTS: "Câu chuyện" về thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội) lại trở thành đề tài nóng trong dư luận xã hội sau một thời gian tạm lắng khi "người đương thời" làm đơn xin nghỉ việc.

Ý kiến đa chiều về những việc làm của người từng tố cáo gian lận trong thi cử 4 năm về trước đã phản ánh sự quan tâm của toàn xã hội đối với những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, song cũng khiến các cơ quan truyền thông phải nghĩ suy về việc "xây dựng" nhân vật điển hình và tạo dư luận xã hội. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu nhận định rằng việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa viết đơn xin thôi việc là sự thất bại của một con người dám đấu tranh chống cái xấu có là cái nhìn bi quan?

Bài 1: Hình ảnh một thầy giáo chống tiêu cực

Bốn năm trước, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã tố cáo hiện tượng gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nơi ông làm giám thị. Ngày đó, chuyện sử dụng tài liệu trong phòng thi, thậm chí đưa bài giải từ ngoài vào cho thí sinh chép để có kết quả đỗ tốt nghiệp cao ở Hà Tây (cũ) nói riêng và ở nhiều tỉnh, thành phố khác nói chung không phải là chuyện hiếm. Nhưng nó không được công khai với những bằng chứng cụ thể và giám thị Đỗ Việt Khoa đã làm được điều đó. Việc làm ấy được lãnh đạo ngành giáo dục, dư luận xã hội ủng hộ và ít nhiều đã tác động đến kỷ luật trường thi. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó.

Ba sự kiện làm nên "Người đương thời"

Sau việc làm được dư luận đánh giá là dũng cảm, đưa lên công luận những bằng chứng về tiêu cực trong thi cử ở hội đồng thi THPT Phú Xuyên A, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã được biểu dương, khen thưởng, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến thăm và trở thành "Người đương thời". Trước thực trạng tiêu cực trong thi cử đã trở thành vấn nạn chung của toàn xã hội, việc làm của thầy giáo Khoa được dư luận ngợi ca. Việc đó lại xảy ra vào đúng thời điểm lãnh đạo ngành GD-ĐT quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương trong ngành, trước hết là kỷ luật trường thi, sau đó được cụ thể hóa thành phong trào "Hai không": Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Vì vậy, việc làm chống gian lận trong thi cử của giám thị Đỗ Việt Khoa được cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Kỳ thi kết thúc, trở về với công việc thường nhật, dạy học tại Trường THPT Vân Tảo, thầy giáo Khoa không được Hiệu trưởng mới Lê Xuân Trung bố trí dạy toán như trước đó mà chỉ được dạy địa lý, chuyên ngành thầy được đào tạo chính quy trước khi học thêm bằng toán tin. Thầy giáo Khoa từng khẳng định, không phải vì chuyện này làm cho thầy không có thêm học sinh học mà thầy viết đơn tố cáo những việc làm sai trái của Hiệu trưởng Lê Xuân Trung. Nhưng từ năm học 2006-2007, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Tây trước đây và Sở GD-ĐT Hà Nội bây giờ đã phải vào cuộc để làm rõ những việc được thầy giáo Khoa cho là sai phạm ở Trường THPT Vân Tảo. Kết luận thanh tra cho thấy, trong 10 nội dung thầy giáo Khoa khiếu tố thì 8 nội dung sai và 2 nội dung có một số điểm đúng.

Không đồng ý và cho rằng Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội đã bao che cho những sai phạm ở trường Vân Tảo về việc lãnh đạo trường trù dập, thầy giáo Khoa tiếp tục khiếu nại tố, cáo và đến cuối năm học 2009-2010, ông làm đơn xin nghỉ việc.

Xung quanh những việc làm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, còn có nhiều việc khiến dư luận quan tâm như chuyện ông ứng cử đại biểu Quốc hội, đã vi phạm quy chế thi và bị lập biên bản…, nhưng ba sự kiện trên đã làm nên một "Người đương thời" với sự vào cuộc rầm rộ của giới truyền thông. Song, những điều ấy chưa làm nên chân dung con người trên mặt báo.

Những điều không bình thường…

Ngày thầy Đỗ Việt Khoa công khai chống gian lận trong thi cử và tố cáo sai phạm ở Trường THPT Vân Tảo, không ít người đã cảm phục sự dũng cảm ấy. Nhưng khi một số tờ báo kể chuyện ông tổ chức "điểm truy cập internet" để học sinh của chính mình, trong đó có những em như thầy nói "bị hiệu trưởng đuổi" ra đó đắm mình vào những trò chơi điện tử, thì nhiều người nhìn thầy với con mắt khác. Rồi việc thầy mải chống tiêu cực trong thi cử mà quên mất việc làm tròn trách nhiệm của một giám thị để ảnh hưởng tới thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2007, say sưa đấu tranh với những sai phạm của lãnh đạo trường nhưng bản thân lại không thực hiện đầy đủ những quy định đối với một người thầy giáo… đến mức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ cũng đã khiến cho hình ảnh "Người đương thời" không còn được như trước. Thậm chí, có người đã hoài nghi về động cơ; những việc làm và tính trung thực của những lời nói của con người ông.

Cuộc đấu tranh chống tiêu cực dẫu nhiều khó khăn nhưng có lẽ hiếm có nơi nào người đấu tranh lại trở thành người cô độc như ở Vân Tảo. Thật khó lý giải vì sao khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa ứng cử đại biểu Quốc hội, quy trình lấy tín nhiệm ở cơ sở bằng bỏ phiếu kín lại không có phiếu nào cho ông. Thầy cũng từng phàn nàn rằng, mình bị đồng nghiệp xa lánh. Nhưng như cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu phó Trường THPT Vân Tảo tâm sự, lúc nào thầy cũng mang theo máy ảnh, máy ghi âm nên ai cũng ngại trò chuyện cùng thầy, nhỡ lỡ miệng lại thành bằng chứng để thầy tố cáo.

Lý giải về lý do xin thôi việc, ngoài những gì đã viết trong đơn, thầy giáo Đỗ Việt Khoa còn tâm sự với các nhà báo rằng, đã bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 4 năm liền, nếu không xin nghỉ, có thể sẽ bị đình chỉ hoặc chuyển công tác khác như quy định của Luật Công chức mà thầy đã nghiên cứu kỹ. Cái cách thầy Khoa xin nghỉ như GS Văn Như Cương phân tích cũng bất bình thường: Một giáo viên xin nghỉ là chuyện đơn giản và bình thường của ngành giáo dục và trong nhiều năm qua có hàng nghìn người đã làm việc đó. Nhưng vì lý do gì mà một giáo viên xin nghỉ lại phải bắn tin lên Bộ GD-ĐT, rồi nộp đơn vượt cấp cho Sở GD-ĐT, bỏ qua nhà trường?

Có vẻ như, sau khi nổi tiếng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã cho rằng, mình không còn là người bình thường nữa? Nhưng những người làm công tác quản lý và thanh tra thì phải giải quyết mọi việc liên quan đến ông như với một viên chức bình thường, theo đúng quy định của luật pháp, kể cả đối với việc ông đã làm: khiếu nại, tố cáo trước kia và xin nghỉ dạy bây giờ cũng thế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Hình ảnh một thầy giáo chống tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.