Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính họ đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng

Anh Quang| 16/01/2010 04:50

(HNM) - Việc chính quyền xã An Phú, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 6-1 tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (cây Thánh giá) trên đỉnh núi Chẽ theo đúng trình tự quy định của pháp luật được dư luận rộng rãi đồng tình.

Thế nhưng, ngay hôm sau, ngày 7-1-2010, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã ra thông cáo do Chánh Văn phòng Lê Trọng Cung ký, xuyên tạc sự thật, vu cáo chính quyền "đánh đập tàn nhẫn giáo dân" và " triệt hạ, đập phá Thánh giá" và đưa ra những lời lẽ kích động: "xúc phạm đến Thánh giá là xúc phạm đến Chúa Kitô; xúc phạm đến biểu tượng thiêng liêng nhất của Đức Kitô và Giáo hội".

Không dừng ở việc vu cáo, xuyên tạc sự thật, ngay trong chiều 6-1, sau buổi tĩnh tâm, Tòa Tổng Giám mục đã huy động các cha quản hạt và linh mục kéo về Đồng Chiêm để tổ chức cầu nguyện, hiệp thông. Thậm chí, dưới sự chỉ đạo của một số linh mục, các giáo dân Đồng Chiêm đã mua vải tang, rồi tổ chức quay phim, chụp ảnh, viết, trả lời phỏng vấn trên các tờ báo mạng phản động, lu loa: chính quyền "giết Chúa", giáo dân "để tang"... nhằm thực hiện mưu đồ "chính trị hóa" vụ việc.

Hẳn rất nhiều người biết rõ về sự tích cây Thánh giá. Ba cây thập giá được dựng lên, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá, chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi vào Phục Sinh, thì cây thập giá khốn khó ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh. Chất Thánh ấy là tình yêu, là sự đau khổ, là sự chết, là vinh quang. Chính vì thế, hình tượng cây Thánh giá đã trở nên thiêng liêng, không chỉ có người Công giáo mà nhiều người theo các tín ngưỡng khác, hoặc không tín ngưỡng cùng ngưỡng mộ, tôn kính.

Nhưng cây Thánh giá - biểu tượng tôn giáo thiêng liêng đó - đã được một số chức sắc của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, linh mục giáo xứ Thái Hà và linh mục Nguyễn Văn Hữu, chính xứ Đồng Chiêm sử dụng như một công cụ để thách thức chính quyền, kích động, lôi kéo giáo dân vào những việc làm trái pháp luật.

Nhiều người còn nhớ các vụ đòi đất trái pháp luật, xây dựng trái phép tại 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng do Tòa Tổng Giáo mục Hà Nội và giáo xứ Thái Hà thực hiện. Ở 42 Nhà Chung, Tòa Tổng Giám mục cũng đã kích động giáo dân bằng cách hô hào bảo vệ "đất của nhà thờ", bảo vệ "Thánh giá", "tượng Đức Mẹ" - được họ làm bằng cây que và xi măng đúc vội vã, để dãi dầu mưa nắng dưới gốc đa ngoài khuôn viên nhà thờ. Không những thế, ông Ngô Quang Kiệt còn cho treo Thánh giá ở khắp các bờ tường, hàng rào bảo vệ, trên các cành cây... Ở 178 Nguyễn Lương Bằng cũng vậy, linh mục Vũ Khởi Phụng cho đặt tượng Đức Mẹ trên bể nước cũ bẩn; cho treo Thánh giá và ảnh Đức Mẹ khắp nơi, vẩy nước Thánh vung vãi; rồi còn dựng chuyện "Đức Mẹ hiển linh" để kêu gọi, kích động giáo dân" sẵn sàng hy sinh" để bảo vệ "Thánh địa"...

Ở Đồng Chiêm, mặc dù được chính quyền xã nhiều lần vận động, thuyết phục, lập biên bản vi phạm... nhưng linh mục Nguyễn Văn Hữu vẫn cố tình cho dựng bằng được cây Thánh giá trên đỉnh núi Chẽ. Công trình trái phép này vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Trên các tờ báo mạng, Nguyễn Văn Hữu khăng khăng cho rằng núi Chẽ thuộc "đất của giáo xứ Đồng Chiêm", nhưng trên thực tế núi Chẽ là khu vực do Ban quản lý rừng Hương Sơn quản lý. Như vậy, ông Hữu còn vi phạm cả Quy chế quản lý rừng đặc dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14-12-2001, trong đó Điều 18 quy định: "Nghiêm cấm làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng". Khi công trình vi phạm bị tháo dỡ, linh mục Hữu lại ngoan cố cho dựng các cây Thánh giá khác bằng bương, gỗ; lắp đèn, đặt bát hương, kêu gọi giáo dân hành lễ cạnh chân núi, dưới chiêu bài " Bảo vệ Thánh giá - biểu tượng của niềm tin Công giáo". Với việc tổ chức hành lễ ngoài cơ sở thờ tự, tụ tập đông người ở nơi công cộng khi không được phép của chính quyền như vậy, linh mục Hữu còn vi phạm thêm các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.

Với những hành động xúc phạm, coi thường Thánh giá như thế, thử hỏi các linh mục ở Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, ở giáo xứ Thái Hà và linh mục Nguyễn Văn Hữu đã tôn thờ, làm trọn bổn phận của những Chủ chiên trước Đức Tối cao hay chưa? Hơn ai hết, các linh mục nói trên phải biết rõ cây Thánh giá phải đặt ở đâu thì mới thật sự là biểu tượng tôn giáo thiêng liêng!

Không ai ngạc nhiên khi thấy công trình xây dựng trái phép trên núi Chẽ bị phá dỡ, cũng giống như vụ việc ở 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng, các tờ báo mạng phản động lại la lối: "Chính quyền Việt Nam đàn áp giáo dân, o ép không cho công giáo phát triển". Nhưng, dù có lợi dụng đến cả hình ảnh Chúa, Đức Mẹ, Thánh giá... để lừa mị, kích động giáo dân thì các thế thù địch cũng không thể đổi trắng, thay đen. Tại Hà Nội, những năm qua, bà con giáo dân luôn đoàn kết, vận động nhau tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm việc thiện, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Trên địa bàn thành phố hiện có 682 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo đều được sửa chữa, tu bổ lại. Tính 10 năm lại đây, có 180 cơ sở sửa chữa lớn và 450 cơ sở sửa chữa nhỏ, với tổng số tiền khoảng 570 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, nhân dân đóng góp và từ các nguồn khác. Các hội, đoàn tổ chức Công giáo tăng nhanh, từ hơn 100 hội, đoàn nay đã có hơn 200 hội, đoàn với gần 10 nghìn hội viên... Việc cấp đất, giao đất cho tổ chức tôn giáo mở rộng cơ sở thờ tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, chính sách tôn giáo và quỹ đất tại địa phương. Riêng trong năm 2009, thành phố Hà Nội đã cấp phép xây dựng Nhà thờ họ Hoàng Thôn (Cổ Nhuế, Từ Liêm); Nhà thờ họ Trung Trí (Thanh Lương - Hai Bà Trưng); Nhà thờ Tân Lạc (Trương Định - Hai Bà Trưng). Những Nhà thờ trên đã làm hồ sơ, xin phép xây dựng theo đúng trình tự pháp luật và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện. Ngoài ra, UBND quận Hai Bà Trưng còn tặng hai họ đạo nói trên, mỗi họ 200 triệu đồng; UBND xã Cổ Nhuế tặng Nhà thờ họ Hoàng Thôn 30 triệu đồng. Cũng năm qua, linh mục Nguyễn Ngọc Hinh, xứ Phùng Khoang, Từ Liêm xây tượng Đức Mẹ (trong khu vực đất giao Nhà thờ quản lý) không xin phép, các cơ quan chức năng, một mặt lập biên bản vi phạm, đình chỉ xây dựng, một mặt hướng dẫn hoàn tất thủ tục, sau đó tiếp tục cho hoàn thiện.

Mới đây, ngày 23 và 24-11-2009, tại giáo xứ Sở Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam, với sự tham dự của 30 Giám mục, gần 500 linh mục, hàng nghìn tu sĩ và giáo dân. Lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 diễn ra thành công trong yên bình, ngoài nỗ lực và trách nhiệm của Giáo hội, còn có sự quan tâm và giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền địa phương, để bảo đảm cho Lễ Khai mạc và các hoạt động kỷ niệm Năm Thánh diễn ra thuận lợi. Sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với các hoạt động tự do tín ngưỡng được đông đảo đồng bào Công giáo và dư luận quốc tế đánh giá cao. Những việc làm này là minh chứng rõ ràng cho thấy các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo đúng pháp luật.

Mấy ngày qua, trên các tờ báo mạng phản động liên tục đăng các bài viết hối thúc Hội đồng Giám mục Việt Nam, thậm chí kêu gọi cả Tòa Thánh Vatican phải có ý kiến về việc chính quyền Việt Nam "đập phá Thánh giá". Đông đảo chức sắc, linh mục và hàng triệu đồng bào Công giáo Việt Nam rất đau lòng và bất bình trước hành vi của những kẻ "lợi dụng Chúa", "nấp bóng Chúa", đang tâm sử dụng biểu tượng thiêng liêng của Chúa để thực hiện những mưu đồ đen tối. Dư luận đã thấy rõ, không phải ai khác, chính các linh mục như Nguyễn Văn Hữu, các linh mục giáo xứ Thái Hà và một số chức sắc trong Tòa Tổng Giám mục Hà Nội là những người đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng, vậy mà họ lại lớn tiếng vu cáo chính quyền. Những hành vi đó phải bị vạch trần và lên án mạnh mẽ.

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 khẳng định: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm... Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc". Thiết nghĩ Hội đồng Giám mục Việt Nam cần tỏ thái độ nghiêm khắc, không cho phép ai lợi dụng biểu tượng tôn giáo thiêng liêng như một công cụ để thách thức chính quyền, để thực hiện các mưu đồ xấu xa; đồng thời răn dạy các linh mục có những vi phạm pháp luật phải sống và làm việc theo đúng với đường hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam "sống phúc âm trong lòng dân tộc" và lời răn của Đức Giáo Hoàng: "Bằng đời sống xây trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính họ đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.