Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội hân hoan ngày Đại Lễ

Bài, ảnh: Tuyết Minh| 01/10/2010 14:42

(HNMO) - Sáng nay (1/10), trong trong tiết trời mùa thu mát dịu, hàng nghìn người dân từ khắp nơi từ khắp các tỉnh thành đổ về khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm để tận hưởng không khí linh thiêng của ngày khai mạc Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Trong lòng mọi người dân hầu như đều có chung một cảm xúc hân hoan được đắm mình trong không khí náo nức của Thủ đô trong ngày Đại Lễ.

Tưng bừng ngày hội lớn của Thủ đô

Sau Lễ khai mạc long trọng được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, đánh dấu thời khắc Hà Nội chính thức bước vào ngày 10 ngày Đại Lễ. Tại 5 sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám đã diễn ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc theo các chủ đề mang đậm chất văn hóa Hà Nội.

Múa hát chào mừng Đại lễ 1000 năm trước Tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: T.P

Tại sân khấu vườn hoa Lý Thái Tổ, với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng” với những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long – Hà Nội; Tại sân khấu khu vực Đền Bà Kiệu với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến”; Sân khấu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình”; Sân khấu ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống với chủ đề “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”; Sân khấu ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài) với chủ đề “Hà Nội, trái tim của cả nước".

Nhộn nhịp các sân khấu nghệ thuật xung quang hồ Gươm.

Ấn tượng nhất phải kể đến Sân khấu chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến” tại Sân khấu đền Bà Kiệu với các tiết mục ca múa nhạc, nghệ thuật, ngâm vịnh các áng thơ cổ từ thế kỷ trước như: Múa trồng dâu, Hà Nội 36 phố phường (ca dao cổ) của các văn sỹ, nhân sỹ nổi tiếng ngày xưa của Kinh thành Thăng Long như: Trần Quang Khải, Trần Nguyễn Đán, Lê Thánh Tông; Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sỹ, Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương… đã thu hút được đông đảo người dân, đặc biệt là du khách nước ngoài chăm chú đứng xem.

Hân hoan trong không khí linh thiêng

Rất nhiều người dân của Thủ đô đã không bỏ lỡ dịp được chứng kiến thời khắc linh thiêng này đã hội tụ về đây. Trong một “rừng” người đang nhộn nhịp dạo bước quanh Hồ Gươm, nổi bật lên bóng áo của một bậc hiền tăng với ống kính, máy ảnh đeo quanh người, chụp ảnh các bạn trẻ đang háo hức dạo chơi.

Tham dự lễ khai mạc sáng nay là hàng nghìn người dân. Ảnh: T.P

Tiếp cận được biết, sư thầy Thích Thanh Phương - trụ trì Chùa Thanh Phúc, Thanh Trì, Hà Nội đã hồ hởi nói: “Có thể nói, Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long có một ý nghĩa vô cùng lớn lao với mọi người dân Hà Nội, thể hiện vận khí Thăng Long với một bề dày lịch sử qua các triều Đinh – Lý – Trần – Lê. Tôi sinh ra ở Hà Nội, tuổi thơ của tôi gắn liền với tiếng tàu điện leng keng, vì vậy tôi phải về Hà Nội trong dịp này – sự kiện 1000 năm có một”.

Thầy Thích Thanh Phương chia sẻ: “Đặc biệt, tôi có sở thích “chép sử” bằng ảnh, vì vậy từ năm 1984 đến nay tôi đã lưu giữ được rất nhiều bức ảnh Hà Nội cổ. Ngày hôm nay, tôi cũng lưu lại được rất nhiều những khoảnh khắc, biểu cảm của người dân với Thủ đô. Dường như trong ngày hôm nay, tất cả mọi người đều chung một cảm xúc hân hoan, trên gương mặt của họ chỉ biểu cảm niềm vui mà thôi. Trong những ngày qua, tôi đã chụp được khá nhiều hình ảnh quanh khu vực Quảng trường Ba Đình, phố Điện Biên Phủ, và trong những ngày tới, tôi sẽ chỉ chụp hình quanh khu vực Hồ Gươm. Với tôi, chụp ảnh là một cách Thiền cao cấo nhất. Vì trong lúc chụp ảnh, bao nhiêu nỗi lo toan về cơm, áo, gạo tiền đều rơi xuống hết, chỉ tập trung vào việc chụp ảnh”.

Một hình ảnh rất đáng yêu khiến không ít người dân phải xúm lại chụp ảnh cùng đó là 2 em bé được bố mẹ cho đi chơi và mặc quần áo dài, và áo cánh nâu, đầu cắt chỏm trái đào, đậm nét văn hóa Hà Nội xưa. Chị Bành Hồng Điệp (phường Hàng Buồm, Hà Nội), mẹ của hai cháu bé chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi được đưa các con đi chơi trong buổi sáng đầu tiên khai mạc Đại lễ. Tôi đã chuẩn bị trước hàng tuần, mua sắm quần áo để đưa các con đi chơi trong ngày hôm nay. Hai cháu nhà tôi: một cháu 3,5 tuổi, cháu nhỏ 9 tháng nhưng chúng đã rất háo hức được đi mặc quần áo đẹp và đi chơi trong ngày hôm nay”.

Phải kể đến một trong những dấu ấn khác của ngày khai hội là cụ Nguyễn Đức Cường (Thôn Thượng, Thanh Oai, Hà Nội) thì gây thiện cảm với nhiều người đi đường bởi bộ lễ phục màu vàng, áo dài, khăn đóng. Cụ cho biết, sở dĩ cụ mặc bộ lễ phục này là bởi ngày xưa nhà Vua chỉ cho phép người nào trên 90 tuổi mới được mặc áo màu Vàng, và tôi năm nay đã 91 tuổi, có 5 người con trai đều đã thành đạt, đi làm nhà nước. Nhiều người quanh hàng xóm cứ can ngăn tôi không nên về Hà Nội dịp này, nhưng tôi thì lại nghĩ khác, tôi thấy rất phấn khởi vì mình còn mạnh khỏe và được về chơi đúng dịp 1000 năm.

Chị Lại Thị Kim Hồng (27 tuổi), hiện đang sinh sống tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh thì không quản ngại đường xa đưa cha mình là cụ Lại Văn Tịnh (80 tuổi), cựu chiến binh cả hai cuộc chống Pháp, chống Mỹ và phải di chuyển bằng xe lăn để thăm Thủ đô trong dịp này. Chị cho biết, ông đã già nên cũng mong muốn được đưa ra thăm Thủ đô, và chị cũng mong cho ông được thưởng thức không khí của Hà Nội trong không khí ngày hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hân hoan ngày Đại Lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.