Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn việc phục dựng, bảo tồn và hoạt động lễ hội với phát triển du lịch

ANHTHU| 27/04/2007 07:45

(HNM) - Phú Thọ là vùng đất Tổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam - vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi, đất của thế dựng nước và giữ nước - vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử, cách mạng và di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc.

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Huy Hùng

(HNM) - Phú Thọ là vùng đất Tổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam - vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi, đất của thế dựng nước và giữ nước - vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử, cách mạng và di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc.

Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3, phóng viên báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Ngô Đức Vượng - ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Tổ, phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH.

- Thưa đồng chí bí thư Tỉnh ủy, Phú Thọ là một trong số những tỉnh có nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và văn hóa phi vật thể khá đa dạng. Thực hiện Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Phú Thọ đã làm gì để bảo tồn những giá trị văn hóa, truyền thống đó ?

- Phú Thọ là đất cội nguồn của dân tộc, có bề dày văn hiến với nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và văn hóa phi vật thể đa dạng. Thực hiện Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”và kết luận Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng (khóa IX), nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích, tỉnh Phú Thọ đã tổng kiểm kê toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn tỉnh (Toàn tỉnh có 1.372 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 58 di tích cấp quốc gia, 154 di tích cấp tỉnh). Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tôn tạo, nâng cấp các di tích.

Từ 1998 đến nay, tỉnh đã nâng cấp và xếp hạng gần 100 di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, đã trình Bộ Văn hóa - thông tin cấp kinh phí cho chương trình mục tiêu sửa chữa cấp thiết 20 di tích cấp quốc gia, cấp kinh phí tôn tạo trên 30 di tích cấp tỉnh, góp phần tích cực trong việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể. Toàn tỉnh đã sưu tầm, bổ sung được trên 2.000 hiện vật các loại, trong đó có rất nhiều hiện vật quý hiếm như trống đồng, các sưu tập gốm cổ; đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiến hành khai quật khảo cổ di chỉ làng Cả, xóm Rền, khai quật ở khu vực Đền Hùng, phát hiện nhiều hiện vật quý mang giá trị văn hóa đặc sắc từ thời đại Hùng Vương và nền văn hóa Phùng Nguyên.

Trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Phú Thọ đã nghiên cứu khôi phục 5 lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử và văn hóa ở các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Sơn, nghiên cứu các trò diễn dân gian độc đáo ở các lễ hội có liên quan đến hội Đền Hùng (thi nấu cơm của xã Vực Trường; thi giã bánh dày của Bạch Hạc) để bổ sung vào chương trình, nội dung tổ chức hội Đền Hùng hàng năm; tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học về văn hóa phi vật thể đặc sắc vùng đất Tổ.

Để phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống, gắn hoạt động lễ hội với tuyến du lịch, tỉnh đã tiến hành khảo sát, thống kê và đã xác định được 93 lễ hội tiêu biểu, trong đó trước mắt đã lựa chọn khoảng 25 lễ hội có đặc trưng cơ bản là gắn với tín ngưỡng thờ tự các vua Hùng, có tính cội nguồn dân tộc sâu đậm để phục dựng, tổ chức mang tính chuyên nghiệp, phục vụ du lịch. Năm 2007, tỉnh cũng đã tổ chức khai mạc chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”, tạo tiền đề vừa bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống; vừa khai thác để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Song song với việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội, Phú Thọ còn tích cực sưu tầm, nghiên cứu vốn di sản văn hóa của ông cha để lại góp phần bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Tổ...

- Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí có thể cho biết, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã huy động các nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát triển văn hóa như thế nào ?

- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản định hướng và quy định cụ thể nhằm huy động nguồn lực để bảo tồn phát triển văn hóa.

Các nghệ nhân xã Kim Đức, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) biểu diễn hát xoan. Ảnh: Anh Tuấn

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin - thể thao.Trong đó nguồn đóng góp của nhân dân và các ngành, địa phương khoảng 20 tỷ 380 triệu đồng. Nguồn vốn trên đã góp phần xây dựng củng cố hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin thể thao từ tỉnh đến cơ sở như sân bãi TDTT; phát triển được hơn 200 phòng đọc, thư viện xã; 204 điểm bưu điện - văn hóa xã, 243 đài truyền thanh cấp xã... Đặc biệt, việc xây dựng nhà văn hóa tại các khu dân cư được quan tâm, đến nay toàn tỉnh đã có gần 2.300 nhà văn hóa khu dân cư, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 8 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại chủ yếu dựa vào sức dân; toàn tỉnh đã có 265/274 xã, phường, thị trấn quy hoạch được đất để xây dựng nhà văn hóa xã; nhiều địa phương trong tỉnh đã có 100% số khu dân cư xây dựng được nhà văn hóa.

Việc huy động các nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa đã tạo nền tảng quan trọng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Đồng thời góp phần củng cố thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao, đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia sáng tạo và phổ biến các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, đã tạo ra các phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao phát triển hầu khắp các địa phương, bồi đắp xây dựng phong trào văn hóa lành mạnh trong quần chúng, tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ. Đến nay số hộ gia đình văn hóa trong toàn tỉnh đã đạt trên 72%; làng, khu phố văn hóa đạt trên 70%. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong thời gian tới, tôi tin chắc rằng sự nghiệp văn hóa của Phú Thọ sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

- Phát triển văn hóa phải đi liền với phát triển kinh tế, văn hóa phải trở thành động lực để phát triển kinh tế. Tỉnh đã gắn kết nhiệm vụ này như thế nào, đặc biệt trong việc khai thác những giá trị của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng Kháng chiến và văn hóa phi vật thể để phát triển ngành kinh tế du lịch?

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, Phú Thọ đã luôn bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” để từ đó tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ trên. Trong đó, đã gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, coi việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển kinh tế. Vì vậy đã tạo sự phát triển bền vững cho phát triển kinh tế và văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhằm khai thác và phát huy những giá trị của văn hóa, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là cho việc phát triển ngành kinh tế du lịch, Phú Thọ đã tiến hành nghiên cứu, điều tra khảo sát các di tích lịch sử văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch. Trong đó đã khảo sát, hệ thống được toàn bộ các di sản văn hóa bao gồm cả di tích, truyền thuyết, lễ hội liên quan đến kinh đô Văn Lang và thời đại Hùng Vương, từ đó đã xây dựng phương án quy hoạch cụ thể cho từng di tích và tuyến tham quan du lịch.

Để Phú Thọ - Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về nguồn của dân tộc Việt Nam, điểm đến của hành trình du lịch về với cội nguồn, ngoài việc quy hoạch và triển khai đầu tư tu bổ, xây dựng các di tích trọng điểm như tu bổ, xây dựng đền Lăng Xương (Thanh Thủy), đền Mẫu Âu Cơ, khởi công xây dựng đền Lạc Long Quân, khu di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã lập quy hoạch đầu tư xây dựng bảo tồn, tôn tạo di tích khảo cổ học Làng Cả - nơi mang đầy đủ đặc trưng văn hóa - văn minh của thời đại Hùng Vương dựng nước theo hướng làm bảo tàng ngoài trời; khai thác những giá trị to lớn của các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng như Sơn Vi, Gò Mun, Gò De, Xóm Rền... để thu hút khách tham quan du lịch...

Với việc đầu tư khai thác và phát huy những giá trị của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và văn hóa phi vật thể; chúng tôi tin tưởng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển ngành kinh tế du lịch, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH của địa phương.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gắn việc phục dựng, bảo tồn và hoạt động lễ hội với phát triển du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.