Đừng quên Tốt Động

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 14/09/2010

(HNM) - Hình như trong dòng chảy đương đại, người ta đang lãng quên địa danh Tốt Động, miền quê đầy ắp kỳ tích - nơi có Thám hoa 14 tuổi; nơi Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn làm nên Trận quyết chiến chiến lược Ninh Kiều - Tốt Động - Chúc Động (năm 1426), trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của dân tộc. Lát cắt lịch sử hay mắt xích vô cùng ý nghĩa đó có sự liên quan mật thiết đến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội...

Đất khoa bảng

“Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là một thiên anh hùng ca bất hủ nên người dân nước Việt đều biết đến câu: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh muôn dặm/Tốt Động thây phơi đầy nội, nhơ để nghìn thu…”. Nhưng ít người biết địa danh Ninh Kiều, Chúc Động, Tốt Động, chỉ cách trung tâm Thủ đô chưa đầy ba mươi cây số, nằm ở tây nam huyện Chương Mỹ - một vùng quê đậm đặc di tích.

Đài tưởng niệm trước đình làng Tốt Động.

Tốt Động, trước hết là mảnh đất khoa bảng. Đây là quê hương của Đặng Ma La - người nhỏ tuổi thứ hai trong lịch sử khoa bảng: Đỗ Thám hoa lúc mười bốn tuổi. Tên làng Tốt Động được nhắc đến kể từ năm 1247 - khi nhà Trần tổ chức khoa thi Thái học sinh - khoa thi có một không hai trong lịch sử khoa bảng bởi “tam khôi” đều dưới hai mươi tuổi: Trạng nguyên Nguyễn Hiền 13 tuổi (vị đỗ đạt nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam), Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi và Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi (người làng Tốt Động). Sau khoa thi, vua ban thưởng cho cả ba vị, nhưng chỉ phong chức tước và giữ lại triều đình Bảng nhãn Lê Văn Hưu; hai vị trẻ tuổi thì cho về quê nhà tiếp tục đọc sách đến hai mươi mốt tuổi mới mời ra làm quan. Thám hoa Đặng Ma La được vua phong chức Thẩm hình viện - một chức vụ quan trọng trong triều đình.

Ở một vùng quê được coi là rốn chảo của Chương Mỹ quanh năm chiêm khê mùa thối, lại sinh thành trong gia đình nông dân nghèo khó nên việc Đặng Ma La thi đỗ đại khoa đánh dấu sự học phát triển ở Tốt Động. Sử sách chép lại, Đặng Ma La đứng đầu mười sáu vị khoa bảng của huyện Chương Mỹ vì thế được nhân dân trọng vọng, coi như Thánh học và được thờ ở Văn chỉ của làng từ khi còn sống. Ông cũng được coi là người khai khoa sự học của làng.

Theo cụ từ Nguyễn Đăng Dỹ và ông Trưởng ban quản lý di tích đình làng Tốt Động Lê Viết Chiến, trên tấm bia đá được đặt tại Văn chỉ thờ Thám hoa ghi rõ nội dung và quy định thưởng cho những người đỗ đạt cao. ở Tốt Động kể từ khi Đặng Ma La đỗ Thám hoa đến hết khoa thi thời phong kiến, có hàng chục người đỗ đạt cao, được bổ làm quan dưới nhiều triều vua, chúa. Và đến nay, dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng truyền thống hiếu học của làng vẫn được duy trì.

ông Đoàn Đình Thắng, Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho biết xã vẫn duy trì khen thưởng cho học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng. Đặc biệt từ sau khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, cơ sở vật chất của các trường tiểu học, THCS được đầu tư xây dựng thêm; năm 2010, trường mầm non của xã được thành phố đầu tư xây dựng với kinh phí gần 6 tỷ đồng. Đây sẽ là yếu tố kích thích con em Tốt Động ham học hơn…

Thiên anh hùng ca

“Bản doanh giả” của nghĩa quân Lam Sơn - tử địa của 6,2 vạn quân Minh trong trận chiến Ninh Kiều - Chúc Động - Tốt Động năm 1426 giờ đây vẫn còn đậm dấu tích. Ông Nguyễn Đăng Tuấn, Phó ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa làng Tốt Động giúp chúng tôi hình dung một chiến trường của nghĩa quân Lam Sơn bằng việc giải nghĩa những tên đồng, tên đất gắn với trận huyết chiến.

Đoạn suối Ninh Kiều còn “sót” lại.

- Từ sân đình Tốt Động nhìn ra cánh đồng mênh mông phía trước, chính là trận địa - nơi nghĩa quân Lam Sơn “quần” quân Minh suốt ba ngày đêm (từ ngày 5 đến 7-11-1426). Đồng Gàn - nơi bắn pháo hiệu của Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn; gò Trống, gò Kèn - nơi phát lệnh thúc quân; gò Đồng Giả là nơi nghĩa quân dựng bản doanh giả nhử địch vào tử địa; đồng Vỡ là nơi quân giặc bị vỡ trận như ong vỡ tổ; đồng Gạo là nơi nhân dân cất giữ lương thảo thu được của giặc; bãi Mả Dù - mồ chôn thây giặc chết trận Ninh Kiều; bãi Ma Hè - mồ chôn giặc chết trận Tốt Động. Còn đồng Mồ - theo sách chỉ của nhà vua, sau trận chiến nhân dân đã thu dọn hài cốt của giặc Minh chết trận đem chôn ở gò cao và xây tường bao chung, hiện trong dinh đồng Mồ còn dựng tấm bia ghi rõ việc đóng góp của dân làng để làm nghĩa chủng và một bài văn tế cô hồn đậm chất nhân văn. Hằng năm vào ngày 24 tháng Chạp, dân làng tổ chức lễ tế “nghĩa chủng” cho các vong hồn; lúc giáp hạt tháng tư âm lịch, dân làng làm lễ “cúng cháo cầu” tại đồng Mồ - một tục lệ thể hiện lòng nhân ái vị tha sâu sắc...

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, đầu tháng 11-1426, hơn 9.000 quân Lam Sơn do 8 danh tướng chỉ huy thành ba đạo quân hùng dũng tiến ra Bắc. Một đạo quân do các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí, Trịnh Khả chỉ huy gồm ba nghìn quân; một đạo quân gồm 4.000 người do hai tướng Lưu Nhân Chú và Bùi Dị dẫn đầu; đạo quân thứ ba với 2.000 quân tinh nhuệ và voi chiến do hai tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy. Tướng Minh là Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông trực tiếp làm Tổng binh mở chiến dịch lớn với 10 vạn quân thực hiện kế hoạch khép gọng kìm: “dĩ chính hợp, dĩ kỳ thắng” (chính binh đánh vỗ mặt đối phương, kỳ binh từ phía sau bất ngờ đánh úp) nhằm “dọn” sạch quân Lam Sơn ở Chương Mỹ để thẳng tiến vào Thanh Hóa hòng thực hiện tham vọng bóp chết toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn.

“Tương kế tựu kế”, theo phương châm lấy ít địch nhiều, mai phục nhử chúng đến, tập trung đánh dập đầu tiền quân của chính binh địch. Trận mai phục của nghĩa quân đặt chủ yếu ở Tốt Động (tức là làng Tụy Động - tên Nôm là làng Rét - vùng rốn chảo của Chương Mỹ, một nơi chiêm khê mùa thối có nhiều đồi gò nổi. Trung tâm trận địa là Đồng Giả, phía bắc trận địa là suối Ninh Kiều, phía tây giáp sông Bùi, phía đông - nam là cánh đồng lầy thụt (khu vực phía trước đình làng hiện nay). Ngày 6-11-1426, đạo quân của Vương Thông sa vào trận địa của quân Lam Sơn; đến ngày 7-11-1426, hơn sáu vạn tên giặc bị tiêu diệt và bị bắt sống ở Ninh Kiều, Tốt Động...

Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động là chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Trong lịch sử dân tộc, đây là mắt xích quan trọng, là gạch đỏ nối Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là bằng chứng tạc vào lịch sử dân tộc như một thiên anh hùng ca bất hủ.

Đừng quên Tốt Động!

Trên đất Tốt Động hôm nay, có thể nói nơi nào cũng chứa đựng di tích, nó giống như một bảo tàng văn hóa vật thể phong phú và đa dạng. Rất tiếc, nhiều di tích bị quên, hoặc chưa được nhìn nhận đúng với giá trị đích thực của nó.

Suối Ninh Kiều xưa kéo dài tới tận Ba Thá (thuộc Mỹ Đức) nay đã bị chặn thành khúc trở thành đầm Ruột Gà. Dấu tích còn lại của con suối chỉ là một đoạn nhỏ đổ ra cống Yên Duyệt - cống tiêu úng cho các xã Tốt Động, Trường Yên, Phú Nghĩa của huyện Chương Mỹ. Đoạn cửa suối Ninh Kiều đổ ra sông Bùi nay đã bị lấp. Đặc biệt có quán Bến thờ Đỗ Bí, quán Đừn thờ Lê Ngân - hai danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn, cả hai quán đều trông sang cửa suối Ninh Kiều và cũng đều chưa được công nhận là di tích nằm trong quần thể chung? Quán Đừn hiện đã bị hỏng nặng, rất cần được đầu tư sửa chữa.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Tốt Động cho biết, đình làng được nhân dân quyên góp xây dựng từ thế kỷ XV để tưởng nhớ nhị vị Thành hoàng làng là Đỗ Bí và Lê Ngân - hai danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Các triều đại phong kiến sau này đã sắc phong 26 lần với 52 đạo sắc (hiện vẫn còn lưu giữ tại đình). Đình là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng Thành hoàng, cỗ kiệu, đồ thờ tự như bát bửu, nghi trượng sơn son thếp vàng cùng nhiều đồ đồng, đồ gốm có giá trị. Đại bái đình có các mảng điêu khắc nghệ thuật phong cách dân gian đặc sắc, nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cuối năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây có công văn cho phép “tu bổ cấp thiết đình Tốt Động” và rót kinh phí (50 triệu đồng), nhân dân Tốt Động công đức, mỗi cán bộ xã Tốt Động đóng góp một ngày lương được hơn bốn trăm triệu đồng phục chế tả hữu mạc, lát gạch khu vực sân đình, xây dựng Đài tưởng niệm, cầu Chiến Thắng để tri ân và tôn vinh 8 danh tướng cùng nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên việc sửa chữa thiếu đồng bộ nên vá chỗ này hỏng chỗ nọ. Được biết nhiều năm qua, xã đã làm hồ sơ đề nghị trùng tu di tích nhưng không có kết quả. Cụm di tích bao gồm đình làng Tốt Động, đình Yên Duyệt, khu văn chỉ, lăng mộ Lý Triện (đều được xếp hạng năm 1985) và hai quán Đừn, quán Bến chưa một lần được Nhà nước tu bổ tương xứng với giá trị của di tích. Đáng nói là Văn chỉ thờ Thám hoa Đặng Ma La từ trước đến nay vẫn đặt nhờ trên đất chùa Rét (chùa Tốt Động). Khu Đồng Mồ cũng chưa được xem xét quy hoạch thành quần thể...

Nhiều năm nay đã có không ít di tích lịch sử văn hóa được đầu tư, phát huy giá trị. Nhưng Tốt Động, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức? Chính điều đó khiến người Tốt Động luôn cảm thấy như có lỗi với cha ông, với lịch sử và day dứt bởi ý nghĩ: Phải chăng các di tích lịch sử ở đây đã bị quên, hoặc chưa đủ tầm để thu hút sự quan tâm đầu tư?

Về Tốt Động, nghe kỳ tích thời Lê và trăn trở mãi với câu nhắn gửi của các vị cao niên ở đây: Hãy nhớ đến Tốt Động!

Giang Thơ