Chú trọng nâng hiệu quả quản trị, điều hành

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:15, 15/04/2021

(HNM) - Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 vào hôm qua, 14-4. Báo cáo cho thấy, có chỉ số nội dung sụt giảm, có chỉ số nội dung thay đổi tích cực và có cả chỉ số “giậm chân tại chỗ”. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền tiếp tục nhìn vào điểm yếu để chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành và cung ứng dịch vụ công.

Quang cảnh buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020. Ảnh: Hiền Chi

2 chỉ số nội dung thay đổi tích cực

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Nghiên cứu báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021), được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Điều này giúp cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm của người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. Không chỉ vậy, PAPI còn là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công”.

Theo kết quả công bố, 2 chỉ số nội dung thay đổi tích cực gồm: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “thủ tục hành chính công”. Cụ thể, ở chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019 (6 tỉnh, thành phố sụt giảm đáng kể so với năm 2019).

Trong số 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, có 7 địa phương phía Nam, 5 địa phương miền Trung và 4 địa phương phía Bắc. Điểm đáng chú ý là cảm nhận của người dân về một số biểu hiện tham nhũng có chiều hướng tốt khi nhiều người cho rằng không phải “lót tay” để xin vào làm việc trong cơ quan nhà nước. “Điểm chỉ số lĩnh vực nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” năm 2020 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả này phần nào phản ánh tác động của chiến dịch phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (Nhóm nghiên cứu PAPI) nhận định.  

Còn với chỉ số nội dung “thủ tục hành chính công”, trong 16 tỉnh, thành phố dẫn đầu có 9 địa phương ở phía Bắc. Phần lớn các địa phương cải thiện dịch vụ hành chính cấp xã so với những năm trước. Bên cạnh đó, điểm của 3 chỉ số nội dung: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “cung ứng dịch vụ công”, “quản trị môi trường” giảm nhẹ so với kết quả năm 2019. Trong khi đó, 2 chỉ số nội dung có xu hướng chững lại gồm: “Công khai, minh bạch”, “trách nhiệm giải trình với người dân”.

Năm 2020, PAPI được khảo sát từ 14.732 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. PAPI năm 2020 tiếp tục gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Hà Nội đạt mục tiêu tăng 5 bậc

Tổng số điểm Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 41,629/80 điểm. Trong đó, chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,059/10 điểm; “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” đạt 5,244/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,812/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,598/10 điểm. Ngoài ra, các chỉ số: “Thủ tục hành chính công” đạt 7,169/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 6,87/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 2,959/10 điểm; “quản trị điện tử” đạt 2,918/10 điểm.

Trong 7/8 chỉ số nội dung mà nghiên cứu PAPI so sánh với năm 2019, Hà Nội có 4 chỉ số nội dung có cải thiện, 3 chỉ số nội dung “giậm chân tại chỗ” và không có chỉ số nội dung nào sụt giảm, đồng thời cải thiện được 5 bậc so với năm 2019 - đạt mục tiêu tăng ít nhất 5 bậc đã đề ra tại Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 11-6-2020 của UBND thành phố Hà Nội về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của thành phố Hà Nội năm 2020”.

Đó là thành quả từ quyết tâm cùng cách làm cụ thể của thành phố để cải thiện Chỉ số PAPI. Điển hình là năm 2020, thành phố đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Giải pháp cải thiện nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội”, nhằm chia sẻ thông tin về Chỉ số PAPI đến cấp xã, phường, thị trấn. Mặc dù tổng số điểm của Hà Nội tăng so với năm 2019, tuy nhiên vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố.

Ở góc độ chuyên gia, chuyên gia chính sách công UNDP Việt Nam Đỗ Thanh Huyền đánh giá cao sự quan tâm và cách làm của thành phố Hà Nội trong thời gian gần đây. Phân tích kỹ hơn, bà Đỗ Thanh Huyền cho rằng, Hà Nội cũng có những “gánh nặng” riêng (đông dân; nhiều người nhập cư; nhiều cơ quan trung ương đóng trên địa bàn…) nên sẽ có nhiều đòi hỏi cao hơn về dịch vụ hành chính công. Do đó, các cấp chính quyền thành phố cần nhìn vào điểm yếu, đánh giá từng tiêu chí cụ thể xem cần cải thiện ở chỗ nào, không nhất thiết so sánh đứng ở thứ hạng bao nhiêu.

Hiền Thu