[Cập nhật] Tiến độ tìm kiếm nạn nhân các vụ sạt lở tại Quảng Nam: Gùi hàng tiếp tế người dân Phước Sơn bị cô lập

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 30/10/2020

(HNMO) - Liên tiếp các vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trong các ngày bão số 9 đổ bộ

tại một số huyện của tỉnh Quảng Nam đã khiến nhiều người chết, mất tích và bị thương... Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung tất cả khả năng tìm kiếm người mất tích, có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất...

  • Tối 28-10, tại hai thôn là thôn 1, xã Trà Leng và thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng, khiến 56 người mất tích.
  • Khoảng 3h ngày 29-10, lực lượng chức năng đã vào hiện trường  sạt lở tại Nam Trà My để tiến hành cứu hộ, cứu nạn.
  • Thêm điểm sạt lở vùi lấp 11 người tại huyện Phước Sơn.
  • Chiều 29-10, thêm điểm sạt lở tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khiến 1 người mất tích và 1 người bị thương nặng; một người mất tích trong bão số 9 tại xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức.
  • Đến 14h ngày 30-10, đã tìm thấy 5 thi thể trong vụ sạt lở tại Phước Sơn, còn 8 người mất tích; tìm thấy 18 thi thể trong các vụ sạt lở tại Nam Trà My, còn 15 người mất tích.
  • Đến ngày 31-10, còn 14 người đang mất tích tại xã Trà Leng, Nam Trà My; tìm thấy 5 thi thể trong vụ sạt lở tại Phước Sơn, còn 6 người mất tích.
  • Ngày 30-10, 200 công nhân mắc kẹt ở Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2. Dự kiến trong ngày 31-10, toàn bộ số công nhân thoát khỏi khu vực nhà máy.
  • Tiếp tục cập nhật...

Khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích và cung cấp thực phẩm cho người dân bị cô lập

Ngày 31-10: Tổng hợp thông tin từ TTXVN, Báo điện tử VOV và Báo điện tử Chính phủ, sáng cùng ngày, mưa nặng hạt trên địa bàn huyện Bắc Trà My và Nam Trà My khiến công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Chiều cùng ngày, do mưa ngớt, việc tìm kiếm thuận lợi hơn. Lực lượng cứu hộ dùng xe đào bới, múc lớp đất gần khu vực nhà bị cuốn trôi.

Chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng đã được điều vào hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân.

Trong vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My khiến 55 người gặp nạn, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người, 8 thi thể nạn nhân bị vùi lấp được tìm thấy, hiện còn 14 người đang mất tích.

Tại thôn 6 xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, vụ sạt lở khiến 11 người bị vùi lấp; đã có 5 thi thể được tìm thấy và chôn cất, hiện còn 6 người mất tích. 

Trong một diễn biến khác, sáng 31-10, Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã họp khẩn để bàn phương án tiếp cận 2 xã Phước Lộc, Phước Thành bị cô lập. Bên cạnh công tác tìm kiếm cứu nạn người bị vùi lấp, công tác cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gần 2.000 người tại các điểm bị chia cắt rất cấp bách.

Sáng 31-10, 30 tấn gạo đã được tập kết tại các xã Phước Kim, Phước Công để sẵn sàng gùi sang xã Phước Lộc, Phước Thành bằng đường rừng.

Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, hiện là Trưởng ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn kết luận: Khi thời tiết thuận lợi thì việc cứu trợ bằng máy bay là rất cần thiết, sẽ là nguồn cứu trợ chính, còn hiện tại thì phải theo phương án gùi cõng hàng hóa bằng đường mòn vượt núi. Trên cả 2 mũi tiếp cận xã Phước Lộc và xã Phước Thành, lực lượng công binh cùng tiểu đội tiền trạm phải đi trước để khắc phục những điểm quá khó khăn trên đường rừng. Sau đó các đội gùi hàng của dân quân phải chia nhóm, đi theo từng đoạn để giữ sức.

Trong ngày 31-10, tất cả lương thực, thực phẩm phải tập kết sẵn sàng về xã Phước Công, Phước Kim. Sáng sớm 1-11, các lực lượng sẽ bắt đầu gùi những chuyến hàng đầu tiên.


Dự kiến toàn bộ công nhân Thủy điện Đắk Mi được đưa ra ngoài an toàn trong ngày 31-10

Tại công trình Thủy điện Đắk Mi 2, có 217 công nhân bị cách ly do lũ cuốn trôi cầu, Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, các công nhân vẫn đang tiếp tục di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, tới nơi an toàn. Tuy công ty thủy điện báo cáo xin cho người ở lại giữ công trình nhưng Ban Chỉ huy tiền phương đã yêu cầu đưa hết công nhân ra ngoài vì khu vực có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm.

Dự kiến trong ngày hôm nay, toàn bộ công nhân được đưa về công ty, bảo đảm an toàn.


16h10 ngày 30-10: Báo Điện tử VOV thông tin, từ sáng đến đầu giờ chiều nay, đường từ đầu điểm sạt lở làng ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đến khu vực nhà dân bị cuốn trôi mới được san ủi sáng nay nhưng mưa đã làm cho bùn non, đất sét trên mặt đường trơn trượt hơn.

Dưới cơn mưa, hàng trăm người dân và lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang theo dõi và chờ đợi thông tin từ hiện trường.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn gồm 500 người là các chiến sĩ bộ đội, công an và dân quân vẫn đang di dời từng thanh gỗ, cắt từng thanh sắt, di dời từng miếng bê tông để tìm kiếm các nạn nhân. Tại những khu vực được nghi ngờ có các nạn nhân, lực lượng tìm kiếm phải dùng tay bới nhẹ để không ảnh hưởng đến các nạn nhân.


70 công nhân thoát khỏi khu vực Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2

Liên quan đến việc hơn 200 công nhân mắc kẹt ở Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 (huyện Phước Sơn) do mưa lũ khiến khu vực này bị cô lập, theo Báo điện tử Chính phủ, thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, 13h ngày 30-10, sau khi nước lũ trên sông Nước Mét, đoạn có cầu bê tông (đã bị lũ cuốn trôi) bắc ngang qua Thủy điện Đăk Mi 2 hạ dần, các công nhân của thủy điện Đăk Mi 2 đã sử dụng dây cáp làm ròng rọc và tự thoát ra khỏi khu vực bị cô lập. Hiện tại, khoảng 70 công nhân đã thoát khỏi khu vực nhà máy.

Do vị trí các khu vực thủy điện Đăk Mi 2 bị sạt lở nặng nên nhiều công nhân chưa đến được trung tâm nhà máy để thoát ra ngoài.

Thủy điện Đăk Mi 2, Phước Sơn. Ảnh: Báo Quân khu 5

Nhận được thông báo vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và UBND tỉnh, thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại xã Phước Công, huyện Phước Sơn để trực tiếp điều hành công tác tìm kiếm, ứng cứu người bị nạn.

Các phương án khẩn trương được đưa ra, trong đó, nếu việc tiếp tế lương thực cho các công nhân bằng đường bộ và đường thủy gặp khó khăn, sẽ tính đến phương án dùng trực thăng cứu hộ. Tuy nhiên, thời tiết các xã miền núi cao huyện Phước Sơn sương mù dày đặc nên chưa thể dùng phương án cứu hộ đường không.

Hiện tại, các lực lượng chức năng đang tích cực điều chỉnh phương án để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi và thủy điện bị cô lập trong thời gian sớm nhất.


Vẫn còn 24 người mất tích

Cập nhật về công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tính đến 14h00 ngày 30-10, Báo điện tử Chính phủ cho biết, tại 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức có tổng cộng 24 người vẫn còn mất tích, 22 người thiệt mạng, 46 người bị thương.


Mưa, lũ quét ảnh hưởng việc tìm kiếm, cứu nạn

Trong sáng 30-10, lực lượng tìm kiếm của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã đưa chó nghiệp vụ vào hiện trường các vụ sạt lở tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My để hỗ trợ tìm kiếm, đồng thời triển khai thêm phương án tìm kiếm bằng thiết bị bay flycam trên sông và hồ thủy điện Sông Tranh.

Trong khi đó, tại xã Trà Mai, sáng nay, công tác tìm kiếm ở điểm sạt lở xảy ra chiều qua đã phải tạm dừng vì mưa khá to. Một người bị thương đã được tìm thấy, một người vẫn còn mất tích.

Việc tiếp cận hiện trường của lực lượng cứu hộ từ bên ngoài đến xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cũng gặp khó khăn, nguy hiểm do trên hành trình di chuyển có nhiều điểm sạt lở, nước suối chảy xiết.


Có thể điều động trực thăng tiếp cận hiện trường sạt lở ở Phước Sơn

6h44 ngày 30-10: Báo điện tử VOV đưa tin, sáng nay, hơn 500 người thuộc các lực lượng quân đội, công an tiếp tục tìm kiếm 13 người mất tích trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Hiện tuyến đường vào khu vực sạt lở còn 400m chưa thông xe. Trong sáng nay, toàn bộ các điểm sạt lở sẽ được xử lý để thông xe bước 1.

Khu vực cuối cùng chưa thông xe trên tuyến đường vào hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 căn nhà ở xã Trà Leng.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Phước Sơn, trời bắt đầu mưa nhỏ, gây thêm khó khăn cho việc mở đường tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở xã Phước Lộc. Ông Nguyễn Văn Quản, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiện tại các tuyến đường vào thôn 6, xã Phước Lộc bị đất đá vùi lấp, xe ô tô không thể di chuyển được. Ngày hôm qua, lực lượng cứu nạn của tỉnh Quảng Nam gồm bộ đội biên phòng, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn đã nỗ lực san gạt đất đá nhưng cũng chỉ tới được xã Phước Kim. Phương án mở đường tiếp cận từ hướng tỉnh Kon Tum cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, phía tỉnh Kon Tum cho biết, địa bàn cũng đang sạt lở nặng, gây nguy hiểm cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà, người trực tiếp chỉ huy cứu nạn 11 người ở xã Phước Lộc, khẳng định, sẽ điều động trực thăng tiếp cận vào hiện trường.

Công nhân làm việc xuyên đêm để cố gắng thông đường vào Phước Lộc.

Theo Báo điện tử Quảng Nam, đến tối ngày 29-10, chính quyền và người dân xã Phước Lộc (Phước Sơn) đã tìm thấy 5 thi thể trong vụ sạt lở đất ở thôn 6 làm 11 người mất tích.


Triển khai mọi phương án để tiếp cận, cứu những người còn sống

Tiếp theo Công điện số 1500/CĐ-TTg, cuối ngày 29-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Để công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân sạt lở đất được thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân.

Các lực lượng cứu hộ xuyên đêm thông tuyến vào khu vực sạt lở tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Ảnh: TTXVN

Do điều kiện địa hình, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất rất cao, vì vậy yêu cầu, trong quá trình tìm kiếm, phải phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn được đồng bộ, hiệu quả và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ, cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp; khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay… để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót...

Xem thêm TẠI ĐÂY


Cứu được 36 người trong 2 vụ sạt lở ở huyện Nam Trà My

Theo thông tin từ Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại 2 vụ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đến 18h ngày 29-10, các lực lượng đã cứu được 36 người, tìm thấy 11 thi thể, còn 20 người mất tích. 

Liên quan đến 2 vụ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã có tổng cộng 67 người bị vùi lấp (56 người ở Nam Trà My và 11 người ở Phước Sơn).

Hai mẹ con chị Trần Thị Diện thoát chết trong vụ sạt lở, được chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Chồng của chị Diện cũng thoát chết, đang ở hiện trường để tìm kiếm 3 người con khác.

Theo Báo Điện tử Quảng Nam, chiều tối nay, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ và Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My Trần Kim Sơn đã đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My thăm hỏi các nạn nhân bị sạt lở đất ở Trà Leng.

Lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã thăm hỏi, động viên các bệnh nhân điều trị tại khoa cấp cứu của bệnh viện; đồng thời trao hỗ trợ 1 triệu đồng/người đối với các bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Ông Thái Hoàng Vũ đề nghị Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My ưu tiên tối đa y, bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân, theo dõi và chuyển viện lên tuyến trên ngay nếu diễn biến xấu hoặc trung tâm không đáp ứng khả năng điều trị...

Đến 18h30, trung tâm đã tiếp nhận 13 nạn nhân đến điều trị, chuyển viện 4 trường hợp nặng.


Hiện trường khu vực bị vùi lấp tại thôn 1, xã Trà Leng

Hiện trường khu vực bị vùi lấp tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cuối giờ chiều nay chỉ còn là bãi đất với ngổn ngang cây cối, đá tảng và cột kèo, mái lá, dấu vết của 11 nóc nhà bị vùi lấp cùng nỗi sợ hãi thất thần, những đau thương, mất mát hiện rõ trong nét mặt của người dân nơi đây.

Lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 cùng nhiều xe cơ giới chuyên dụng đã mất nhiều giờ để vượt qua các điểm sạt lở, nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Công tác sơ cứu và vận chuyển những người bị thương ra khỏi khu vực được tiến hành khẩn trương.

Tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá cao nỗ lực cứu hộ, chủ động thực hiện "4 tại chỗ" trong công tác cứu nạn của huyện Nam Trà My; yêu cầu các lực lượng bằng mọi giá phải tìm kiếm tất cả nạn nhân và hy vọng sẽ tìm được hết người mất tích trong ngày mai (30-10).


Cứu được 33 người trong vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My

13h ngày 29-10, điểm sạt lở cuối cùng tại km81, quốc lộ 40B đã được thông tuyến giúp lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 với 200 cán bộ chiến sĩ có thể đi vào hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.

Khẩn trương đưa người bị thương đi cấp cứu

Theo Báo Quảng Nam, lực lượng tiếp cận sớm nhất gồm 20 cán bộ chiến sĩ công binh, quân y mang theo thùng cứu thương vào để cấp cứu các trường hợp bị thương. Có 4 trường hợp bị thương nặng được đưa ra trước. Nhiều người bị thương từ hôm qua chưa được đưa đi cấp cứu do đường vào bị chia cắt.

Báo điện tử Chính phủ dẫn lời Thượng tá Hà Ra Diêu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My cho biết, tính đến đầu giờ chiều nay, đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.

Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.


Tìm thấy 3 thi thể trong vụ sạt lở ở huyện Phước Sơn

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Phước Sơn, cuối giờ sáng nay, đã tìm thấy thi thể 3 trong số 11 nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại thôn 6, xã Phước Lộc.

Ngoài 11 nạn nhân tại thôn 6, còn có 2 cán bộ Phước Lộc bị vùi lấp, mất tích khi đi làm nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ người dân sơ tán.

Ngay khi xảy ra các vụ tai nạn này, huyện đã thành lập đội tìm kiếm cứu nạn, lên kế hoạch cứu nạn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện… để khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân.


Thêm điểm sạt lở vùi lấp 11 người tại huyện Phước Sơn

Trong khi các lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm cách tiếp cận hiện trường, tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ lở đất tại huyện Nam Trà My thì thêm một tin dữ khác xuất hiện. Báo Điện tử Quảng Nam đưa tin, sáng nay, tại thôn 6 của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (giáp giới với tỉnh Kon Tum) xuất hiện một điểm sạt lở vùi lấp 11 người.

Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.

Hiện đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Bá Thông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trên đường lên Phước Sơn khảo sát, tiếp cận hiện trường. Trung đội cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đang đến hiện trường.


12h01 ngày 29-10: Báo điện tử VOV đưa tin, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người phát ngôn trong sự việc ở Nam Trà My cho biết, hiện tại đã mở đường được một nửa, còn điểm sạt lở khá lớn cách Thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 1,5km.

Trung đoàn 885 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam huy động 50 cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ cùng các đơn vị của Lữ đoàn Công binh 270 sớm tiếp cận hiện trường.


10h10 ngày 29-10: Theo Báo điện tử Quảng Nam, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 đã lên kế hoạch tiếp cận hiện trường bằng đường bộ khác - theo đường bê tông từ thôn 6 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) đi vòng qua điểm sạt lở ở Trà Đốc (Bắc Trà My) để tiếp cận sớm nhất.

Bản đồ tiếp cận vị trí vụ sạt lở của lực lượng quân sự (vị trí đánh dấu cờ đỏ trên bản đồ). Ảnh: Đoàn Đạo - Hồ Quân.

Lực lượng đi gồm 2 tổ quân y, lực lượng công binh, trinh sát với cơ số lương thực đủ trong 7 ngày. Đồng thời, Quân khu 5 tiếp tục khảo sát đường vào, phải thông cho bằng được đường bộ để vào thôn 1, xã Trà Leng nhằm đưa cơ giới vào tìm kiếm.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường sau khi nghe ý kiến của các thành viên Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu huyện Nam Trà My nhanh chóng đưa lực lượng cơ động tại chỗ của địa phương vào trước và sớm nhất có thể. Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ Quân khu 5 trong công tác khai thông đường; hỗ trợ lực lượng cơ động cho Nam Trà My, ưu tiên dân quân tự vệ thông thạo, am hiểu địa hình, thời tiết địa phương...


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ: TẬP TRUNG TẤT CẢ KHẢ NĂNG ĐỂ TÌM KIẾM CÁC NẠN NHÂN MẤT TÍCH

9h ngày 29-10: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đang có mặt tại xã Trà Tăng, huyện Bắc Trà My, điểm sạt lở chia cắt đường lên huyện Nam Trà My, nơi xảy ra vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng.

Báo điện tử Chính phủ thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác cứu nạn. Thủ tướng gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, đề nghị tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác cứu nạn - Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Báo cáo tình hình với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đường đi vào hiện trường rất trắc trở, nhiều điểm sạt lở. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thông đường vào hiện trường.

Theo báo cáo của lực lượng tại hiện trường, tuyến đường này hiện có 5 điểm sạt lở, đã giải phóng được 3 điểm và còn 2 điểm chưa thông - đều là hai điểm sạt lở lớn.

Lực lượng chức năng mở đường vào địa điểm sạt lở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: TTXVN

Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, ở thôn 1, xã Trà Leng hiện chưa có lực lượng cứu hộ đến, chỉ có người địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp cận nhanh nhất hiện trường. Trường hợp chưa đưa được máy móc vào tìm kiếm thì cử lực lượng quân đội, công binh vào trước, tìm kiếm thủ công. Cùng với đó, nghiên cứu phương án đưa máy bay trực thăng vào ứng cứu.


7h40 ngày 29-10: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới huyện Bắc Trà My, nơi đóng Sở Chỉ huy tiền phương, sau đó đi tiếp lên Nam Trà My để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại huyện này. Cùng thời điểm này, các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, địa phương và các ngành liên quan khẩn trương tìm cách tiếp cận vị trí sạt lở.

Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy lực lượng quân sự xử lý các điểm sạt lở trên đường và xã Trà Leng. Ảnh: Quảng Nam Online

Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 đã khảo sát việc mở đường vào hiện trường 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My. Tư lệnh yêu cầu lực lượng công binh sử dụng cơ giới phải nhanh chóng mở đường sớm nhất có thể, đồng thời, phải làm sao vừa cứu người dân, vừa bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.


3h ngày 29-10: Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường.

Cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 đã đến Bắc Trà My, chuẩn bị công tác tìm kiếm cứu nạn tại Nam Trà My.

Ban Chỉ huy quân sự huyện Nam Trà My cũng trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.

Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để Sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ.


1h ngày 29-10: Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thảo luận phương án cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng cho biết, sự cố xảy ra tại hai thôn là thôn 1, xã Trà Leng và thôn 1, xã Trà Vân. Tại thôn 1, xã Trà Leng, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Còn tại thôn 1, xã Trà Vân, có 8 người bị vùi lấp.

Phó Thủ tướng yêu cầu, do đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó nên phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm "4 tại chỗ".

Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My, lãnh đạo UBND tỉnh, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích; thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: Sở chỉ huy chính đặt tại huyện Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (huyện Nam Trà My).


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ RA CÔNG ĐIỆN KHẨN

Tối 28-10, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to, gió lớn, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà dân.

Nhận được tin báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ..

Bảo Hân