Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”

Du lịch - Ngày đăng : 06:42, 09/04/2020

(HNMCT) - Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh tế - xã hội. Du lịch là ngành kinh tế dễ bị tổn thương hơn so với một số ngành khác. Để giải quyết khó khăn, ngành Du lịch đã và đang nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, vừa xây dựng kế hoạch phục hồi sau dịch. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về vấn đề này.

- Thưa ông, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến ngành Du lịch trong thời gian qua?

- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch toàn cầu, Việt Nam không phải ngoại lệ. Đến giữa tháng 3-2020, hầu hết các nước đều thực hiện chính sách dừng nhập cảnh với khách du lịch. Ở nước ta, Chính phủ đã quyết định từ 0h ngày 22-3-2020 tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt. Đây là hành động quyết liệt và kịp thời nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế cũng là ngành dễ bị tổn thương nhất. Ngay từ tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp, một số thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như 3 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đón 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019 thì chỉ riêng trong tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 450 nghìn lượt, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2-2020.

Trong đó, hai thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc đều có mức giảm hơn 90% (khách Trung Quốc đạt 33,2 nghìn lượt, giảm 91,5%; khách Hàn Quốc đạt 28,7 nghìn lượt, giảm 91,4%). Các thị trường quan trọng khác cũng có mức giảm sâu như: Nhật Bản (giảm 54,7%), Mỹ (giảm 71,4%), Canada (giảm 64,8%), Australia (giảm 50,5%), Italia (giảm 79,1%), Pháp (giảm 46,8%), Đức (giảm 41,7%), Singapore (giảm 59,9%), Thái Lan (giảm 59,3%), Ấn Độ (giảm 57,0%), Malaysia (giảm 55,4%)... Có thể nói, du lịch Việt Nam đã thiệt hại nặng nề, khó đạt chỉ tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020.

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các doanh nghiệp du lịch, mà trước hết là doanh nghiệp lữ hành. Ngay từ đầu tháng 2-2020, tình trạng khách hủy tour, hủy đặt phòng, hủy dịch vụ diễn ra ồ ạt. Các doanh nghiệp du lịch lớn như: Công ty Lữ hành Saigontourist tháng 2 giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu giảm 500 tỷ đồng/tháng; Công ty TNHH Tiếp thị và Giao thông vận tải (Vietravel) giảm 40% trong tháng 2, giảm 80% trong tháng 3; Công ty TNHH Exotissimo chuyên khai thác thị trường khách châu Âu, tháng 2 giảm 10%, tháng 3 giảm 50%... Đáng nói là hiện nay, mỗi ngày Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế mà lý do chung là kinh doanh khó khăn.

Có thể nói, “sức khỏe” của ngành Du lịch phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp du lịch. Tình trạng các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành trong tương lai.

- Việc ngừng hoạt động hay hoạt động cầm chừng trong thời gian này là bất khả kháng, tuy nhiên, có thể coi đây là thời gian “ngủ đông” để các doanh nghiệp du lịch cùng nhìn lại và tìm hướng đi mới, thưa ông?

- Đúng thế! Thời điểm khắc nghiệt này là dịp để du lịch Việt Nam đánh giá lại quy mô và nội lực của mình, xác định hướng đi, mục tiêu và các giải pháp lớn để điều chỉnh và phục hồi sau dịch một cách nhanh chóng nhất có thể. Tổng cục Du lịch đã xây dựng Kế hoạch kích cầu du lịch, Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch để khi dịch chấm dứt là bắt tay ngay vào hoạt động. Đối với các doanh nghiệp du lịch, đây cũng là dịp cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác liên kết, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng về nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp đối với nguồn nhân lực... để khi hết dịch sẽ tập trung cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện với khách du lịch.

Nhân viên y tế phun thuốc tiêu độc khử trùng tại di tích đền Ngọc Sơn. Ảnh: Doãn Văn

- Để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp và ngành Du lịch trong giai đoạn này, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì?

- Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, khôi phục thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp và duy trì sự ổn định của ngành Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ như: Miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch từ quý I đến quý III-2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV-2020 và quý I-2021; giảm phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế, giãn thuế đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020. Cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6-2021.

Giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh. Áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ. Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch như: Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...

Song song với các giải pháp nói trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực trong ngành Du lịch...

- Hẳn ngành Du lịch cũng sẽ có những kịch bản cụ thể để chuẩn bị cho việc phục hồi sau khi dịch kết thúc, thưa ông?

- Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, chưa thể xác định thời điểm kết thúc dịch, quy mô và phạm vi tác động của dịch bệnh đến nhiều quốc gia trên thế giới, ngành Du lịch đã xây dựng kịch bản tăng trưởng khách du lịch trong ngắn hạn như sau: Nếu dịch bệnh được khống chế vào tháng 4-2020 thì ngành Du lịch có thể phục hồi vào cuối năm 2020. Số lượng khách quốc tế sẽ giảm, còn khoảng 10 - 11 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng. Lượng khách du lịch nội địa dự kiến giảm tối thiểu 60% so với kế hoạch của năm 2020; tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 sẽ đạt khoảng 410 nghìn tỷ đồng, thiệt hại 420 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, phải tới cuối tháng 6-2020 thì mới có thể hết dịch và ngành Du lịch chỉ có thể phục hồi hoạt động như trước thời điểm có dịch vào đầu năm 2021.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”, trong thời điểm hiện nay, ngành Du lịch tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa triển khai các giải pháp phòng, chống dịch một cách kiên quyết nhất, vừa xây dựng các kịch bản, kế hoạch kích cầu du lịch, đồng thời xây dựng Kế hoạch xúc tiến du lịch nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt của ngành Du lịch vẫn là tập trung chống dịch và bảo vệ các doanh nghiệp du lịch để sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

- Chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ!

Linh Tâm