“Vững tay cày, hay tay súng”

Chính trị - Ngày đăng : 07:07, 25/12/2017

(HNM) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong chiến dịch Phòng không Hà Nội tháng 12-1972, quân và dân huyện Ba Vì đã luôn “vững tay cày, hay tay súng”, phối hợp nhịp nhàng cùng các lực lượng tiêu diệt địch, góp phần làm thất bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ.


Chuẩn bị tốt mọi mặt

Dự báo Ba Vì sẽ trở thành một vùng đất chiến lược đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giai đoạn sau năm 1969, đặc biệt trong chiến dịch Phòng không cuối năm 1972 nên huyện Ba Vì đã khẩn trương chuyển từ trạng thái thời bình sang thời chiến, huy động lực lượng ở mức cao nhất, sẵn sàng bước vào cuộc chiến với quyết tâm cao.

Dân quân huyện Bất Bạt (nay là huyện Ba Vì) luôn sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Thái Ngọc Linh


Để đẩy mạnh công tác quốc phòng, quân sự địa phương, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ, phong trào “vững tay cày, hay tay súng” tiếp tục được phát huy trong lực lượng dân quân tự vệ huyện Ba Vì. Trước tiên, Huyện đội chú trọng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho đội ngũ cán bộ quân sự các cấp, đạt 184% kế hoạch được giao. Toàn huyện có 513 dân quân ngày đêm trực chiến trên các trận địa, sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch tầm thấp, bảo vệ bầu trời quê hương. Công tác phòng tránh tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh bằng cách tổ chức làm thêm, tu sửa 6.311 hầm kèo chữ A; 8.355 hố cá nhân nơi công cộng. Ngoài ra, 46.700m giao thông hào và các tuyến đường giao thông được các lực lượng củng cố để phục vụ chiến đấu.

Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong giai đoạn này được đặc biệt quan tâm, trong đó huyện chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ. Vì vậy, phong trào “Ba đảm đang” được phụ nữ các xã trên địa bàn thực hiện mạnh mẽ, sôi nổi. Không chỉ sản xuất, lao động giỏi, chị em còn hăng hái tham gia các đội dân quân, giữ gìn trật tự trị an và sẵn sàng chiến đấu. Số nữ dân quân của huyện Ba Vì năm 1965 mới có 3.256 người, chiếm tỷ lệ 47,5%, nhưng đến năm 1970 đã có 8.120 người, chiếm tỷ lệ 65%. Trong số này có 137 chị trong đội kỹ thuật công binh, 47 chị trong đội quân báo, 78 chị trong lực lượng trinh sát, 65 chị trong đội thông tin liên lạc, 41 chị trong các đội cứu thương. Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly làm nhiệm vụ bảo vệ đê điều cũng có hơn 70% là nữ.

Mỗi người dân là một chiến sĩ

Với phương châm “mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, huyện Ba Vì đã củng cố, xây dựng hàng chục điểm, cụm trực chiến máy bay từ đỉnh 400 của các xã: Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại trên núi Ba Vì đến các xã: Cẩm Lĩnh, Phú Đông, Xuân Sơn… Hàng trăm chòi canh gác báo động phòng, chống ở các thôn xóm, hợp tác xã được dựng lên, ngày đêm trực sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng dân quân tự vệ ở nhiều địa phương trong huyện đã đưa hỏa lực mạnh như súng 12 ly 7, pháo 37 ly lên chốt giữ những điểm xung yếu trên đê sông Đà, sông Hồng. Hàng trăm quả bóng bay bơm khí hydro sẵn sàng thả lên không trung để đánh lừa và buộc máy bay địch phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho pháo cao xạ, tên lửa của ta tiêu diệt…

Bước vào cuộc chiến đấu với tâm thế sẵn sàng, chủ động, 20h10, ngày 19-12, một máy bay B.52 đã bị lưới lửa phòng không của ta bủa vây, bắn hạ, bốc cháy và lao xuống cánh đồng Gò Trả, thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì). Đảng ủy, chính quyền và lực lượng dân quân tự vệ địa phương đã nhanh chóng tổ chức kiểm tra, nắm bắt hiện trường, tìm bắt phi công.

Trong chiến đấu, dân quân các xã từng bước phát hiện ra quy luật hoạt động của máy bay địch, trước và trong khi B.52 vào đánh Hà Nội. Đó là, các máy bay chiến thuật của Mỹ sẽ tăng cường khống chế các trận địa hỏa lực, nghi binh, gây nhiễu và thường xuyên thay đổi hướng bay, đường bay. Tuy nhiên, dân quân du kích các xã đã chủ động bám sát mục tiêu, đánh địch từ xa tới gần, thả bóng bay khí, ép máy bay địch đang ở tầm thấp buộc chúng phải bay cao, tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiêu diệt.

Tuy vũ khí trang bị thô sơ, lực lượng không nhiều nhưng quân, dân huyện Ba Vì được tổ chức chặt chẽ, bố trí hợp lý. Cùng với đó, công tác phòng không nhân dân được làm tốt, nên lực lượng dân quân tự vệ của huyện cùng với các lực lượng chính quy hình thành một thế trận phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, tạo lưới lửa dày đặc, có thể đánh địch từ nhiều hướng, nhiều tầm cao khác nhau. Cách bố trí này đã làm hạn chế ưu thế, tính năng, tác dụng của các loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại của không quân Mỹ, vô hiệu hóa nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt của chúng.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt (từ ngày 18 đến 29-12-1972), quân dân huyện Ba Vì đã phối hợp nhịp nhàng cùng các đơn vị bộ đội chủ lực, các địa phương lân cận đánh trả các loại máy bay địch xâm nhập vùng trời quê hương, bảo vệ an toàn những mục tiêu quan trọng trên địa bàn. Những chiến công mà quân và dân huyện Ba Vì lập được trên các mặt trận đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 - một trang sử hào hùng, mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Vì đã tổ chức được 32 đợt tuyển quân, với gần 2 vạn thanh niên nam, nữ lên đường nhập ngũ chiến đấu trên các chiến trường, hàng nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Dấu chân của những người con Ba Vì in dấu trên khắp các nẻo đường của chiến trường 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ở hậu phương, 43 xã trong huyện đã trở thành 43 pháo đài vững chắc, thi đua “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”; vừa thực hiện trách nhiệm hậu phương “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, vừa phối hợp tốt với các lực lượng phòng không chủ lực đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Với những thành tích trên, năm 1978, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện Ba Vì đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cùng nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý cho các tập thể, cá nhân.

Ba Tuyên