Kỳ vọng bức tranh đô thị sáng màu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 09/12/2017

(HNM) - Quản lý trật tự xây dựng của Hà Nội trong những năm trước vốn là một mảng “nóng” với tình trạng xây dựng trái phép, sai phép xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trong năm 2017 tình trạng vi phạm đã có chiều hướng “giảm nhiệt”. Đây là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong cả hệ thống chính trị của thành phố về công tác quản lý trật tự đô thị nói chung và quản lý trật tự xây dựng nói riêng.


Minh chứng rõ nét nhất là Thanh tra Sở Xây dựng cùng các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 100% công trình xây dựng trên địa bàn. Đến hết tháng 10-2017, lực lượng thanh tra xây dựng đã kiểm tra 17.422 công trình, phát hiện 1.916 công trình vi phạm, trong đó đã xử lý dứt điểm 1.571 công trình (chiếm 82%). So với năm 2016, số công trình vi phạm giảm 533 trường hợp. Mặc dù số công trình vi phạm chưa được xử lý vẫn còn, nhưng có thể thấy kết quả trên rất ấn tượng và thể hiện bức tranh về quản lý trật tự xây dựng của thành phố đã sáng màu hơn. Đặt trong bối cảnh chung của "Năm kỷ cương hành chính 2017", cho thấy những mục tiêu của thành phố đang được hiện thực hóa.

Thực tế, Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, số công trình được đầu tư mới ngày càng gia tăng, vì thế trật tự xây dựng luôn nảy sinh phức tạp và là vấn đề “nóng”. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị làm rõ trách nhiệm, giải quyết dứt điểm vi phạm, thiết lập kỷ cương trật tự xây dựng. Đồng thời, rà soát, xem xét để có những sửa đổi, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thanh tra, quản lý trật tự xây dựng, nhằm tạo chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Với những chuyển biến tích cực về lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng trong năm vừa qua thì kỷ cương hành chính phải được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục phát huy, quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, để tiếp tục tạo chuyển biến trong quản lý trật tự xây dựng cần phát huy hơn nữa vai trò, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thanh tra xây dựng. Đây là lực lượng chuyên trách, trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Thời gian qua, lực lượng này đã được chuyển giao về UBND quận, huyện quản lý, nhưng do chưa có quy chế rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ nên đã bộc lộ những “lỗ hổng” về quản lý, khiến việc xử lý các công trình vi phạm chưa đạt hiệu quả mong muốn. Do cơ chế “song hành chỉ đạo” giữa chính quyền địa phương với Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp chưa tốt nên việc xử lý vi phạm còn lúng túng, thậm chí có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời xử lý, ngăn chặn vi phạm.

Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận cho Hà Nội thực hiện mô hình thí điểm, đưa đội ngũ thanh tra xây dựng về quận, huyện, thị xã để điều hành trực tiếp, những bất cập có thể sẽ được khắc phục và vai trò, trách nhiệm quản lý và điều hành của người đứng đầu quận, huyện, thị xã sẽ rõ ràng hơn. Đây cũng là cơ sở làm rõ vai trò, trách nhiệm giám sát của Thanh tra Sở Xây dựng, đặc biệt là thẩm quyền đề xuất xử lý kỷ luật đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Từ đó, có thể kỳ vọng tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được kiểm soát tốt hơn, từng bước xây dựng bộ mặt đô thị của Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Duy Biên