Theo dõi Báo Hànộimới trên

Qatar tuyên bố rút khỏi OPEC: Rạn nứt chưa thể hàn gắn

Hoàng Linh| 05/12/2018 19:20

(HNMO) - Qatar vừa tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kể từ tháng 1-2019 để phục vụ mục tiêu tăng sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng từ 77 triệu tấn lên 110 triệu tấn/năm.


Trong bối cảnh hiện nay, có lý do để giải thích cho quyết định của Qatar chuyển sang ưu tiên LNG. Giá dầu thô sau khi đạt đỉnh trong 4 năm ở mức 80 USD/thùng, đã tụt xuống chỉ còn khoảng 60 USD/thùng thời gian gần đây.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi, việc đưa ra quyết định trên là không dễ dàng, nhưng việc rời OPEC sẽ không ảnh hưởng lớn tới các quyết định về hoạt động sản xuất của tổ chức này cũng như giá dầu thế giới. Hiện Qatar chỉ đứng thứ 11 trong OPEC về xuất khẩu dầu mỏ với trung bình 600.000 thùng/ngày, tức là chiếm chưa tới 2% tổng sản lượng của tổ chức này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dường như quyết định của Doha có màu sắc chính trị khi việc tập trung phát triển xuất khẩu LNG cũng không đi ngược lại các quy định của OPEC. Thậm chí, Qatar đã mạnh tay xây dựng hệ thống sản xuất LNG trong suốt thập kỷ qua.

Theo Bộ trưởng Al-Kaabi, việc từ bỏ tổ chức mà Qatar gia nhập từ năm 1961 là do Doha không muốn đặt nỗ lực vào một tổ chức mà họ không có vai trò lớn, đặc biệt là khi tổ chức ấy lại được điều hành bởi một quốc gia.

Dù không đề cập cụ thể nhưng có những dự đoán rằng, Qatar đang muốn nói tới Saudi Arabia bởi OPEC hiện chịu sự ảnh hưởng lớn của quốc gia có tiềm năng dầu mỏ to lớn này với sản lượng trung bình 10 triệu thùng/ngày.

Từ tháng 6-2017, Saudi Arabia và 3 quốc gia Arab khác đã khơi mào cuộc tẩy chay ngoại giao, thương mại nhằm vào Qatar với lý do Doha tài trợ khủng bố và can thiệp vào nội bộ các nước khác, điều mà Qatar kịch liệt bác bỏ. Mâu thuẫn kéo dài đã dẫn tới việc Doha từ bỏ hy vọng có thể “bắt tay làm hòa” với Riyadh.

Thay vào đó, quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới này đã chọn cách tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác tại Trung Đông, trong đó có cả Iran, cường quốc đang chia sẻ địa bàn khai thác khí đốt lớn nhất thế giới chung với Qatar, đồng thời cũng là một “kỳ phùng địch thủ” của Saudi Arabia tại khu vực.

Trên thực tế, OPEC lâu nay vẫn đề cao sự gắn kết thông qua lợi ích chung trong lĩnh vực kinh tế, giúp các thành viên duy trì quan hệ chính trị, vượt qua hàng loạt lệnh cấm vận cũng như nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Tinh thần này đã bảo đảm sự thống nhất của OPEC bất chấp những sự kiện nóng bỏng nhất của thế giới và khu vực như Chiến tranh Lạnh, chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980 của thế kỷ trước, hay cuộc tấn công của Iraq nhằm vào Kuwait năm 1991.

Vì thế, việc một thành viên kỳ cựu đã gắn bó gần 6 thập kỷ bất ngờ ra đi chắc chắn là sự cảnh báo đối với những rạn nứt bên trong OPEC, đặc biệt khi Doha luôn là cầu nối xoa dịu mâu thuẫn giữa những thành viên tổ chức này trong nhiều năm qua.

Năm 2016, cũng chính Qatar đã làm trung gian thành công, dẫn tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC, Nga và các đối tác khác, giúp giá dầu thoát khỏi tình trạng rớt đáy thảm hại. Điều này cũng cho thấy, việc thiếu Doha có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng đảm bảo cắt giảm sản lượng trong nội bộ các thành viên của OPEC, từ đó gián tiếp tác động tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các đồng minh.

Việc Qatar rời OPEC sẽ không có ảnh hưởng tiêu cực tức thời tới thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những rạn nứt ngày càng lớn giữa các quốc gia Vùng Vịnh, điều có thể dẫn tới những bất cập địa chính trị lớn hơn về lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qatar tuyên bố rút khỏi OPEC: Rạn nứt chưa thể hàn gắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.