Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thêm những “cú hích”

Võ Lâm| 20/02/2019 06:01

(HNM) - Ngày 21-1-2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí. Qua 5 năm thực hiện, chỉ thị đã góp phần nâng cao tính chủ động, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, chậm cung cấp thông tin và trả lời báo chí; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước...

Hà Nội là một trong những địa phương duy trì việc cung cấp thông tin hằng tuần cho các cơ quan báo chí. Trong ảnh: Đại diện UBND TP Hà Nội thông tin với báo chí về kết quả hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngày 19-2-2019. Ảnh: Nguyễn Công


Bài đầu: Hiệu quả từ sự chủ động, minh bạch

Chỉ thị số 25-CT/TU về việc cung cấp thông tin và trả lời báo chí đã tạo ra chuyển biến mạnh về nhận thức của các cấp, ngành thành phố về trách nhiệm cung cấp thông tin và trả lời báo chí. Việc chủ động, minh bạch thông tin đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Cung cấp thông tin kịp thời, khách quan

Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, dư luận xôn xao về thông tin ngôi nhà tạm của ông Phạm Công Thành tại tổ 36 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên bị phá dỡ khi gia đình về quê ăn Tết. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Quốc Văn đã tiếp xúc và trả lời báo chí, khẳng định đã mời công an vào điều tra, khi có thông tin sẽ lập tức thông báo. Thường trực Quận ủy Long Biên cũng đã có văn bản báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy nhằm phối hợp cung cấp thông tin và trả lời báo chí. “Chiều 18-2, Thường trực Quận ủy Long Biên họp về vấn đề này. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo hoặc tham gia hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức để cung cấp thông tin”, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết. Được thông tin kịp thời, cùng với sự vào cuộc của các cấp, dư luận về vụ việc nêu trên đã tạm lắng xuống.

Đây không phải lần đầu tiên quận Long Biên thực hiện tốt yêu cầu: “Khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc tại địa phương, đơn vị, phải chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí, nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả hoặc phương hướng xử lý, giải quyết...” - một trong những nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 25-CT/TU.

Gắn bó nhiều năm với Hà Nội để phản ánh thông tin, nhà báo Kiều Hương (Báo Nhân Dân) đánh giá cao tác dụng của Chỉ thị số 25-CT/TU. Nhà báo Kiều Hương dẫn chứng, đầu tháng 7-2018, khi có thông tin về việc TP Hà Nội sắp “xóa sổ” xe ba bánh tự chế, rất nhiều thương binh đã tụ tập tại Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội để phản đối. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, khẳng định thành phố không có chủ trương này và do hiểu không đúng nên dẫn đến có phản ứng tiêu cực. Khi các cơ quan báo chí lên tiếng về việc này, tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại. “Điều đó cho thấy, khi lãnh đạo các đơn vị chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí như yêu cầu tại Chỉ thị số 25-CT/TU sẽ mang lại hiệu quả rất thiết thực”, nhà báo Kiều Hương nhận định.

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, công tác truyền thông đã trở thành giải pháp ngày càng quan trọng hỗ trợ thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Nhiều vấn đề phức tạp, những vụ việc được coi là "điểm nóng" đã được giảm nhiệt. Điển hình là vụ mất an ninh trật tự xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các cơ quan thành phố, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố, huyện Mỹ Đức... đã cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, nhiều chiều cho báo chí, giúp người dân hiểu rõ vấn đề, từ đó có hành vi đúng đắn, đồng thuận. Nhìn lại vụ việc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: “Sự việc đã bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình bóp méo, xuyên tạc, kích động. Nhưng chính các cơ quan báo chí đã định hướng thông tin, cung cấp thông tin chân thực, chính xác giúp ổn định tình hình”.

Tạo ra một không khí báo chí rất tích cực

Nhờ thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, tính chủ động trong cung cấp thông tin và trả lời báo chí của các cấp, ngành thành phố đã tăng lên. Cụ thể hóa chỉ thị, UBND thành phố đã có Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội; nêu rõ 6 hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Quy chế cũng chỉ rõ sẽ khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân thực hiện không đúng, không nghiêm. Thực hiện quy chế, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí người phát ngôn, chủ động đổi mới hoạt động của các trang thông tin điện tử, cập nhật thông tin phong phú và kịp thời hơn, tiêu biểu như: Thị xã Sơn Tây; các quận: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm; các huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Thanh Trì; Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố; Sở Nội vụ, Sở Tài chính... Huyện Phúc Thọ còn có sáng kiến xây dựng “fanpage” Diễn đàn huyện Phúc Thọ trên mạng xã hội Facebook để cung cấp, trao đổi thông tin với báo chí và công dân. Quy chế nêu trên đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Theo Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, việc phối hợp công tác, cung cấp thông tin, tiếp thu và xử lý thông tin báo chí nêu của các cơ quan thành phố ngày càng tiến bộ, cho thấy sự trân trọng của lãnh đạo và các cơ quan thuộc TP Hà Nội đối với báo chí.

Các phóng viên báo chí tác nghiệp, đưa tin tại một kỳ họp của HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Hoạt động cung cấp thông tin và trả lời báo chí nhất là của các cơ quan cấp thành phố ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2018, UBND thành phố đã ban hành 255 văn bản chỉ đạo xử lý thông tin báo chí phản ánh. Nhiều nội dung sau khi giải quyết được dư luận báo chí và nhân dân hoan nghênh. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội còn hướng dẫn về công tác thông tin, tuyên truyền giải quyết “điểm nóng”; phối hợp tập huấn kỹ năng này cho cán bộ lãnh đạo, người phát ngôn... Hà Nội còn là một trong số ít tỉnh, thành phố trên cả nước duy trì hằng tuần hội nghị giao ban thông tin báo chí. Tính bình quân mỗi năm, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức khoảng 50 buổi giao ban thông tin vào chiều thứ ba hằng tuần với sự tham gia của khoảng 150 phóng viên các cơ quan báo chí. Tần suất cập nhật thông tin, quy mô và mức độ công khai thông tin trên Cổng giao tiếp điện tử của UBND thành phố cũng ngày càng tăng. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, theo sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cho ra mắt Trang thông tin điện tử Thành ủy Hà Nội trong thời gian tới.

Kết quả thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU của Hà Nội đã nhận được sự đánh giá tích cực từ các cơ quan báo chí trung ương và thành phố. Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Duy Tường khẳng định, thành phố đã tạo ra không khí báo chí rất tích cực. Bằng nhiều kênh khác nhau, Hà Nội đã cung cấp thông tin cho báo chí đầy đủ, phối hợp xử lý các vụ việc báo chí nêu rất hiệu quả.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm những “cú hích”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.