Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tăng cường công khai, minh bạch

Phong Thu| 12/04/2019 18:39

(HNMO) – Chiều 12-4, tiếp tục phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng


Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã dần đi vào nền nếp và có những chuyển biến rõ nét, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tính đến ngày 8-4-2019, vẫn còn 3 địa phương chưa gửi báo cáo để Bộ Tài chính tổng hợp. Việc xử lý nhà, đất công sản còn chậm. Đến nay, các cấp có thẩm quyền mới chỉ phê duyệt phương án đối với 132.844 cơ sở với tổng diện tích là 2.282 triệu mét vuông đất và 124,4 triệu mét vuông nhà, đạt khoảng 80% cơ sở, 70% tổng diện tích đất và 85% diện tích nhà so với số được tổng hợp, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương. Còn 552/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 77,42%) chưa hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; 55 tỉnh, thành phố chưa liên thông thủ tục giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế trong khi đây là yếu tố quan trọng để quản lý nguồn thu từ đất đai…

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc thực hành tiết kiệm phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có hiệu quả rõ rệt. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng đã có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan nên công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có kết quả tốt hơn những năm trước. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản thất thoát cần tập trung cao hơn, làm quyết liệt hơn nữa để có hiệu quả thực chất của công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nhìn chung cử tri đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trên mọi mặt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Góp ý cụ thể vào nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, bà Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, cử tri còn băn khoăn vì vẫn có một số công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đang bỏ hoang; một số dự án nước sạch không hoạt động và một số công trình đường cao tốc xuống cấp... nhưng không thấy nêu trong báo cáo.

“Nếu đã có hướng triển khai mới thì cần công bố công khai, minh bạch để người dân được biết, đỡ xót ruột”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng các thủ tục hành chính đã cắt giảm nhiều nhưng cũng có những trường hợp chỉ là gói vào cho đầu việc giảm, còn nội dung trong từng thủ tục vẫn vậy nên được ví như là “bình mới, rượu cũ”. Ngoài ra, cần nêu rõ địa chỉ có vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý nghiêm minh; cần rà soát tất cả các quy định về vấn đề công khai, minh bạch và quyền giám sát của người dân để thực hiện cho đúng…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo, gửi tới các đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần tăng cường công khai, minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.