Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá về thể chế

Võ Lâm| 11/11/2020 06:17

(HNM) - Một trong ba khâu đột phá được Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội thông qua nhấn mạnh vào công tác hoàn thiện thể chế. Đây là lựa chọn đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn. Hà Nội đang có điều kiện và quyết tâm chính trị để thực hiện khâu đột phá này.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội và Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức, ngày 21-9-2020. Ảnh: Tiến Thành

Khẳng định tư duy đổi mới

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quyết nghị một trong ba khâu đột phá là: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.

Thực tế, 5 năm qua, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Hiệu quả trực tiếp là môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hà Nội cải thiện rõ nét. “Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện đột phá trên vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, năm 2019, Hà Nội vẫn xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); thứ 52/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

Đứng trước yêu cầu trong giai đoạn mới, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đã quyết nghị 3 khâu đột phá, trong đó, khâu đột phá thứ hai là: “Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững”.

Khâu đột phá này là sự nối tiếp khâu đột phá thứ hai từ nhiệm kỳ khóa XVI, nhưng có tầm mức cao hơn, thể hiện tư duy đổi mới. Nội dung này đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, ngành từ khi lấy ý kiến. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn, đây là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy Thủ đô phát triển trong thời gian tới.

Vào cuộc khẩn trương

Hiện nay, Thành ủy Hà Nội đang xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa với nhiều nội dung nhằm cụ thể hóa khâu đột phá trên, nổi bật là chương trình về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”.

Trên cơ sở định hướng trên, UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo thực hiện các kế hoạch nâng cao thứ hạng về các chỉ số xếp hạng, nhất là hai chỉ số PAPI, SIPAS. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với quan điểm lấy “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp.

Chủ động thực hiện nhiệm vụ này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, Sở sẽ chủ động tham mưu phát triển, hoàn thiện hệ thống Cổng dịch vụ công thành phố, hệ thống thông tin “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp; kết nối Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia...

Cùng với đó, thành phố sẽ thực hiện phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho các cấp, ngành, địa phương về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc... 

Đối với nhiệm vụ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, đến nay, trên cơ sở kiến nghị của Hà Nội, Chính phủ đã có chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành luật nhằm phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, không hợp lý, thiếu tính khả thi để sớm sửa đổi.

Ngoài ra, thành phố quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 15-8-2020, tạo điều kiện cho Thủ đô có thêm nguồn lực phát triển. Một định hướng lớn khác cũng được đẩy mạnh triển khai là việc Thành ủy ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND thành phố sẽ tăng cường giám sát đối với các phường ở các quận và thị xã Sơn Tây không tổ chức HĐND theo mô hình chính quyền đô thị… Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo thông tin thêm, Ban Tổ chức Thành ủy đã hướng dẫn cụ thể 6 nội dung định hướng bố trí, sắp xếp cán bộ liên quan.  

Nội dung đúng và trúng, cùng với sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị, chắc chắn khâu đột phá về thể chế sẽ tạo động lực cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá về thể chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.