Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Những thành tựu đáng tự hào

Võ Lâm| 14/01/2021 06:12

(HNM) - Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) từ ngày 25-1-2021 đến ngày 2-2-2021 tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nhiệm vụ chính của Đại hội là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 5 năm qua (2016-2020), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín to lớn hơn bao giờ hết. Chào mừng Đại hội XIII, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Những thành tựu đáng tự hào”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước năm 2020 tăng 2,91% so với năm 2019. Trong ảnh: Xuất khẩu thủy sản là ngành hàng tăng trưởng cao trong năm 2020. Ảnh: TTXVN

Nhiều dấu ấn nổi bật

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. 5 năm qua, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đây là nền tảng quan trọng để nước ta vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Nhiệm kỳ thành công

2020 là năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Ngay từ đầu năm, dịch Covid-19 xảy ra và lây lan trên toàn thế giới, tác động sâu sắc tới đời sống xã hội. Đây cũng là năm thiên tai, bão lũ kỷ lục xảy ra ở nước ta.

Trong những thời khắc đầy khó khăn, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, ý chí, sức mạnh và sức sống mãnh liệt của dân tộc ta đã được phát huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kiểm soát tốt dịch Covid-19, ứng phó kịp thời với thiên tai, bão lũ; tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi để phát triển. Nhờ nỗ lực vượt bậc của những địa phương có địa bàn trọng điểm về phòng, chống dịch Covid-19 - trong đó, Hà Nội là tấm gương tiêu biểu - Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu, là “ngọn hải đăng” trên thế giới trong phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

“Việc tôi ở đây (Việt Nam - PV) được coi là may mắn “xa xỉ”, khi so sánh với châu Âu và các nơi khác trên thế giới, vì dịch đã được kiểm soát”, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhìn nhận.

Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, cả nước vừa nhạy bén, quyết tâm phục hồi kinh tế. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước vẫn tăng 2,91% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Kết quả này có được là nhờ nỗ lực vượt bậc của cả nước, trong đó có đóng góp của Thủ đô Hà Nội với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 3,98%, gấp gần 1,4 lần GDP cả nước. Nhìn nhận về kết quả này, luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) đánh giá: “Trong bối cảnh đặc biệt của dịch Covid-19, kết quả tăng trưởng GDP của nước ta đạt 2,91% là con số ấn tượng, thay cho mọi lời nói”.

Thành tích năm 2020 góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016-2020. 5 năm qua, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta tiếp tục phát triển. GDP tăng trung bình 5,9%/năm. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016-2020. Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%.

Trên các lĩnh vực khác đều có bước phát triển mới. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

“Thật tự hào hai tiếng Việt Nam”, ông Trần Trọng Đức (ngõ 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) chia sẻ khi nhìn lại những bước phát triển quan trọng 5 năm qua, đặc biệt là năm 2020 của Thủ đô và đất nước.

Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, trở thành hình mẫu trên thế giới về phòng, chống dịch. Trong ảnh: Người dân chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi đi xe buýt. Ảnh: Nguyễn Quang

Tâm thế mới, quyết tâm mới

Vượt khó thành công nhưng không “ngủ quên” trên chiến thắng, đó là tâm thế mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thường xuyên nhắc nhở. Bởi nhiều hạn chế, khuyết điểm vẫn tồn tại, đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, cùng với mục tiêu tổng quát, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định mục tiêu cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới, đó là: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng được xây dựng với những con số cụ thể, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD. Dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trên một số lĩnh vực trọng yếu.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, các chỉ tiêu phát triển 5 năm tới như nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị có tính hiện thực và khả thi. Nhưng để thực hiện thành công, trước hết là trong năm 2021, cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh mọi thứ biến đổi rất nhanh, đầy rủi ro, điều cần làm nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của con người và của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng chí Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong giai đoạn mới, Đại hội XIII cần khơi dậy quyết tâm đổi mới, sáng tạo; có cơ chế để lựa chọn và bảo vệ những cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Những thành tựu đáng tự hào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.