Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng làm đẹp bằng mọi giá

An Hà| 14/07/2022 10:11

(HNMCT) - Làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ “chui” là thực trạng dễ thấy. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo cùng các biện pháp ngăn chặn nhưng những câu chuyện thương tâm vẫn liên tiếp xảy ra.

Việc làm đẹp cần đến các cơ sở chuyên khoa về thẩm mỹ uy tín được cấp phép để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Hiểm họa tại các cơ sở “chui”

Những trường hợp gặp biến chứng sau khi làm đẹp trong thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người "nghiện" thẩm mỹ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người coi nhẹ tính mạng bản thân khi giao phó cơ thể cho những cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Một cô gái 25 tuổi ở tỉnh Hà Nam được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, nhiễm trùng da vùng sống mũi và trán sau khi đã tiêm filler (chất làm đầy) tại một spa không đảm bảo chất lượng.

Tương tự, một cô gái 23 tuổi đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh) với mong muốn sở hữu khuôn mặt đầy đặn; kết quả sau một vài tháng, vùng má trái sưng to, đau nhức, không thể ăn uống.

Một nữ bệnh nhân 22 tuổi đến Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế trong tình trạng sốt, sưng nề, viêm loét, chảy dịch mủ vùng ngực do bị áp xe vú đa ổ sau khi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc...

Cách đây chưa lâu, một phụ nữ quê ở tỉnh Cà Mau đã tử vong sau khi hút mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép; một nữ bệnh nhân 22 tuổi quê ở Long An cũng tử vong sau khi nâng mũi tại thẩm mỹ viện “chui” trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều người gặp tai biến sau khi làm đẹp, song do tới cấp cứu chậm nên họ mất thị lực vĩnh viễn hoặc phải bỏ nhãn cầu để thay mắt giả. Nhiều trường hợp sau khi nâng mũi đã bị liệt nửa người. Nếu như giai đoạn trước, bệnh nhân chủ yếu là phụ nữ trẻ chưa có đủ điều kiện kinh tế, vì ham rẻ nên lựa chọn cơ sở spa không được cấp phép thì hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi 45 - 50 đến spa "chui" do được người quen giới thiệu.

Đã có rất nhiều trường hợp biến chứng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, các biến chứng có thể nhẹ như nhiễm trùng nông, hoại tử da, hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng, tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng.

Lựa chọn các cơ sở uy tín

Vài năm qua, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui” cũng nở rộ. Rất nhiều spa, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ; họ truyền dạy nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc để thực hiện.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các hoạt động phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện.

Với một “rừng” cơ sở làm đẹp như hiện nay, người dân rất khó phân biệt các trung tâm, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “viện thẩm mỹ” thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét, siết chặt công tác quản lý đối với các hoạt động thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm. Để tránh những ca tử vong hay biến chứng nặng nề gây ra bởi phẫu thuật thẩm mỹ, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng - trung tâm y tế cấp quận/huyện phải có cơ chế quản lý. Theo đó, các địa phương (cụ thể là UBND và Công an phường/xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) đều phải có trách nhiệm giám sát.

Đưa ra lời khuyên với người dân, bác sĩ Nguyễn Đình Minh (Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình hàm mặt, Bệnh viện E) khuyến cáo, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, chị em nên tìm đến những bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo kỹ; không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở "chui", các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành.

Hiện nay, một bộ phận người dân có tâm lý “nghiện” thẩm mỹ mà quên rằng, bất kỳ sự can thiệp dao kéo nào đều có một tỷ lệ nhất định bị biến chứng. Đó là chưa nói tới việc người làm thẩm mỹ có thể bị suy giảm sức khỏe, thậm chí thiệt mạng.

Bác sĩ Vũ Hồng Chiến (khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai) đưa lời khuyên: Phụ nữ nên tránh chạy theo quảng cáo, không tìm hiểu ngọn nguồn để rồi tiền mất, tật mang. Quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng làm đẹp bằng mọi giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.