Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lựa chọn, bảo quản bánh trung thu an toàn

Xuân Lộc| 07/09/2022 06:28

(HNM) - Với thị trường bánh trung thu đa dạng, phong phú như hiện nay thì vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Thêm vào đó, thời điểm hiện nay cũng là lúc giao mùa nên thời tiết nắng, mưa khá thất thường. Nếu như bảo quản không tốt bánh sẽ rất dễ bị hỏng. Vậy, làm thế nào để lựa chọn và bảo quản bánh trung thu bảo đảm chất lượng, an toàn cho sức khỏe?

Người tiêu dùng nên chọn bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Trang Thu

Thận trọng với các loại bánh không rõ nguồn gốc

Bên cạnh những mặt hàng bánh truyền thống của những thương hiệu uy tín, Tết Trung thu năm nay còn xuất hiện các loại bánh “siêu rẻ” được bán theo cân. Với giá bán khoảng 300.000 đồng/5kg, tức là chỉ cần bỏ ra 60.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được 1kg bánh trung thu với hơn 20 chiếc mini. Loại bánh này được bán rất nhiều trên mạng xã hội, như: Facebook, Zalo... và đều có đặc điểm chung là không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh trung thu, thì quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Với những chiếc bánh rẻ tiền, giá chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng/chiếc thì chắc chắn nguyên liệu sử dụng cũng phải rẻ, do đó sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

“Đối với bánh trung thu, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thế nhưng, nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép, thì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chưa kể, với đặc thù bánh trung thu rất dễ bị ẩm, mốc nên nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm chất bảo quản. Việc sử dụng chất bảo quản, nếu vượt quá ngưỡng cho phép cũng gây ra những hậu quả không nhỏ với sức khỏe”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Bên cạnh đó, nếu bánh trung thu bảo quản không đúng cách cũng dễ bị hư hỏng. Thông thường bánh trung thu được trưng bày trong tủ kính, trước các cửa hiệu để người mua tiện quan sát và lựa chọn. Tuy nhiên, điều này sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể gây chuyển hóa các chất béo trong nhân bánh, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật...

Thêm một nguyên nhân khác khiến bánh trung thu nhanh bị mốc, hỏng, theo các chuyên gia dinh dưỡng, đó là do nguồn nguyên liệu (bột mì, trứng, các loại hạt, gia vị, thịt...) không được tuyển chọn kỹ càng từ ban đầu. Sau đó là các công đoạn chế biến chưa bảo đảm vệ sinh cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nấm mốc... Cùng với đó, nguyên liệu, dụng cụ làm bánh trung thu, nơi bảo quản chưa hợp vệ sinh vẫn có thể ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Đồng thời, khâu đóng gói bánh cũng cần phải cẩn thận, tránh làm rách nát bao bì, dễ gây ẩm mốc cho chiếc bánh bên trong…

Các cách chọn và bảo quản

Để chọn bánh trung thu an toàn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, bánh trung thu ngon, bảo đảm vệ sinh thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn, không có mùi ôi khét của thực phẩm để lâu, hay không có mùi vị bất thường. Ngoài ra, vỏ bánh mềm, không bị khô, cũng không quá nhiều dầu gây ướt mặt bánh. Nhân bánh có vị cân bằng, không quá ngọt hay quá mặn, nhất là có độ dẻo đủ, không bị nhão, không bị vụn và khô. Nguyên liệu bánh đạt chuẩn chất lượng, tươi ngon, được lựa chọn kỹ càng, rõ nguồn gốc, xuất xứ cụ thể. Bánh còn trong hạn sử dụng khuyến cáo của nhà sản xuất…

“Bánh dẻo nên chọn loại hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh. Khi ấn vào cảm thấy vỏ mềm nhưng không dính, nhão. Bánh nướng nên chọn loại có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ là bánh ngon. Bánh có mùi thơm đặc trưng, trứng không có mùi tanh, không bể nát khi cắt. Dù là bánh truyền thống hay bánh của các công ty thì cũng phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, hạn dùng và bảo quản trên bao bì sản phẩm, đạt TCVN năm 2020 về bánh trung thu. Người tiêu dùng tuyệt đối không nên chọn mua những loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.

Các chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá sản phẩm có bảo đảm hay không. Cụ thể, khi quan sát, sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Người tiêu dùng cũng nên mua bánh ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm, như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Cùng với cách lựa chọn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo về cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu an toàn. Theo đó, người dân cần bảo quản và sử dụng bánh trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì sản phẩm. Đồng thời, chú ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có). Bánh trung thu mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, không có mùi khác lạ… Đặc biệt, rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn, bảo quản bánh trung thu an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.