Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia đình thay thế của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Minh Ngọc| 10/11/2019 07:40

(HNM) - Làng trẻ em SOS Hà Nội, số 2 phố Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đang nuôi dưỡng hơn 220 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo mô hình gia đình thay thế. Tại đây, trẻ đến từ những miền quê khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau trở thành anh, chị, em một nhà, cùng bảo ban nhau học hành, chia sẻ vui, buồn, cùng phấn đấu vươn lên.

Không khí ấm áp, tươi vui tại gia đình A3, Làng trẻ em SOS Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền

Niềm vui bên ngôi nhà mới

Từ tháng 8-2019 đến nay, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội triển khai sâu rộng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống”.

Theo đó, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và một số trường hợp đặc biệt khác được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài, tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất cả về thể chất, tinh thần. Việc mở rộng đối tượng tiếp nhận là cơ hội để Làng trẻ em SOS Hà Nội có thêm những thành viên mới. 

Do không có bố, mẹ lại bị khuyết tật vận động, gia đình khó khăn, nên hai chị em ruột Nguyễn Bảo Q. (sinh năm 2014) và Nguyễn Hồng Ng. (sinh năm 2017), thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) được đón vào Làng trẻ em SOS Hà Nội từ cuối tháng 10-2019. Sống trong nhà A3, các cháu được mẹ nuôi chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ; các anh, chị hướng dẫn chơi trò chơi, tập múa, hát… Sống giữa tình yêu thương, cháu Q. và Ng. nhanh chóng hòa nhập với gia đình mới.

“Hàng xóm” của gia đình A3 là A2 cũng mới đón 3 thành viên là chị em ruột trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở phường Kim Mã (quận Ba Đình). Chứng kiến các cháu vui đùa, ít ai biết rằng, trước khi đến ngôi nhà mới, các cháu là những đứa trẻ tự ti, ít nói cười.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, cháu Nguyễn Bích V. (sinh năm 2007) cho biết: “Từ khi vào Làng trẻ em SOS Hà Nội, ba chị em cháu có cuộc sống tốt hơn. Cháu sẽ cố gắng là con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với tình yêu thương của mẹ và các anh, chị, em trong gia đình A2”.

Những trường hợp khác mới được đón về Làng trẻ em SOS Hà Nội là cháu Nguyễn Đức B. (sinh năm 2011), xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), sống trong gia đình A7; Nguyễn Mạnh Q. (sinh năm 2017), thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) sống trong gia đình B2…

Ông Nguyễn Quang Hưng, trợ lý Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội cho hay, từ tháng 8-2019 đến nay, đơn vị đón 13 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vào chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài, nâng tổng số trẻ đang sống tại Làng lên hơn 220 cháu. Các cháu được sắp xếp ăn ở, sinh hoạt trong 16 gia đình có mẹ và dì chăm sóc, dạy dỗ 24/24 giờ. Riêng các cháu là nam giới, từ 14 tuổi trở lên sống trong khu lưu xá thanh niên do đội ngũ cán bộ, nhân viên nam của Làng trẻ em SOS Hà Nội thay nhau trông coi, chăm sóc, giáo dục.

Tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, các cháu được nuôi dưỡng theo mô hình gia đình thay thế với nguyên tắc giáo dục nhất quán là: Kính trọng cha, mẹ; yêu thương anh, chị, em; vun đắp cho gia đình và nỗ lực xây dựng cộng đồng văn minh, hiện đại. Nói cách khác, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, giáo dục tương tự trẻ em ngoài cộng đồng nhằm tạo ra môi trường, điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện.

Trao gửi những yêu thương

Trò chuyện với đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự quan tâm toàn diện từ các cơ quan hữu quan, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đặc biệt là của những người mẹ thứ hai dành cho những trẻ em kém may mắn.

Bà Nguyễn Thị Hà, gia đình A1 kể: “Gắn bó với các con từ những ngày đầu Làng trẻ em SOS Hà Nội đi vào hoạt động (tháng 1-1990), tôi thấu hiểu tính cách, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, sở trường của từng con. Từ đó, tôi thường xuyên chia sẻ, động viên các con phát huy tốt năng lực của bản thân để hòa nhập xã hội. Trong số những người con đã trưởng thành, Nguyễn Minh H. (sinh năm 1991) là đặc biệt nhất của gia đình A1. Từ một cháu bé bị bệnh nặng, vào Làng khi mới vài ngày tuổi, đến nay H. đã thành danh, đang làm trợ lý tổng giám đốc một công ty có tiếng của Hàn Quốc với mức thu nhập khá”.

Mỗi lần kể về những người con thân yêu, bà Phạm Thị Thắng, bà mẹ gia đình B1 luôn tự hào về chị Phạm Thị Hồng Nh. “Nh. là trẻ bị bỏ rơi, nên khi vào Làng, con được đặt tên theo họ của tôi. Nhờ nỗ lực học hành, Nh. trở thành giáo viên của một trường học danh tiếng trên địa bàn Hà Nội, đã lấy chồng, sinh con. Vào những ngày nghỉ, gia đình Nh. thường về nhà B1 thăm mẹ và các em, vui lắm”, bà Phạm Thị Thắng chia sẻ.

Hiện nay, Làng trẻ em SOS Hà Nội có gần 50 cán bộ, nhân viên, trong đó có 16 bà mẹ và 5 bà dì ở bên những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại đây. Nhờ sự quan tâm ân cần từ nhiều phía, trực tiếp là những người mẹ thứ hai, các con của gia đình SOS Hà Nội từng bước khôn lớn, trưởng thành.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội cho biết, sau gần 30 năm hình thành, phát triển (1990-2019), Làng trẻ em SOS Hà Nội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng hơn 500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Hằng năm, 100% trẻ em được chăm sóc tại Làng đều đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có hơn 40% em đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Số còn lại đi học nghề để lập thân, lập nghiệp. Đáng chú ý, Làng có nhiều người con đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc, giành học bổng từ Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, học bổng SOS… Những người con đã trưởng thành đều có việc làm ổn định, nhiều người đã lập gia đình riêng.

Với hành trình nỗ lực không ngừng, Làng trẻ em SOS Hà Nội đã nhận được nhiều phần thưởng quý giá, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia đình thay thế của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.