Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “chiến binh blouse trắng”

Ngọc Đăng| 16/02/2020 13:30

(HNNN) - Đối phó với dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mới nổi, các y, bác sĩ luôn là những người âm thầm chịu nhiều áp lực, vất vả, thậm chí là nguy hiểm nhất. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) đang diễn ra càng cho thấy những phẩm chất đáng quý của đội ngũ nhân viên ngành Y, họ thực sự là những “chiến binh blouse trắng” quả cảm.

Các y, bác sĩ luôn âm thầm chịu nhiều áp lực, vất vả để điều trị cho các bệnh nhân.

“Trận đánh” đầy áp lực

Ở hai ca bệnh đầu tiên do Covid-19 gây ra, các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã phải đối mặt với một căn bệnh hoàn toàn mới, chưa có thuốc kháng vi rút, khả năng lây nhiễm ở mức cao. Chia sẻ về khoảng thời gian này, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy gọi đó là lần “đánh trận” đầy áp lực.

Khi tiếp nhận hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc vào tối 22-1, xác định các yếu tố dịch tễ và triệu chứng đi kèm, các bác sĩ đã nghĩ đến căn bệnh do vi rút Covid-19 gây ra đang hoành hành ở nước bạn. Tuy nhiên, khi chưa có kết quả xét nghiệm thì chưa thể khẳng định đó là bệnh cúm thường hay do Covid-19, các bác sĩ lại phải tìm đủ mọi cách thuyết phục hai cha con người Trung Quốc chấp nhận nhập viện cách ly.

Đến khi có kết quả xét nghiệm xác nhận hai bệnh nhân dương tính với chủng vi rút mới, 30 nhân viên y tế có chuyên môn cao của khoa đã được huy động trở lại để thực hiện việc phân luồng, cách ly và theo dõi, điều trị nhằm không để bệnh phát tán ra ngoài. Dù đang ở thời điểm nghỉ Tết, lịch trực Tết đã được sắp xếp nhưng hiểu được tính chất căng thẳng khi phát hiện hai ca lây nhiễm đầu tiên ở Việt Nam, các nhân viên y tế, bác sĩ đã chấp nhận tăng ca.

Dù cùng “họ hàng” với vi rút gây dịch SARS, MERS nhưng Covid-19 là biến thể khác có khả năng lây nhiễm giữa người sang người rất nhanh. Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho biết, chủng vi rút hoàn toàn mới nhưng do “cùng họ” corona nên đặc tính cũng có những điểm tương đồng. Ví dụ như ở nhiệt độ cao thì những loại vi rút này không thể kéo dài sự sống, nên phòng được chọn để điều trị cho bệnh nhân là những phòng có thể đón ánh nắng mặt trời thường xuyên.

Phác đồ điều trị đem lại kết quả rõ rệt khi người con chỉ sau ba ngày đã hết sốt, xét nghiệm bốn lần âm tính. Người cha từ chỗ không thể đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có nhân viên y tế trợ giúp, sau đã hết sốt, không phải thở oxy, tự đi lại và sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Trung Quốc và số người tử vong tăng sau mỗi ngày, sự hoang mang của người dân về mức độ lây lan căn bệnh này tại Việt Nam ngày càng lớn. Thậm chí, một số y tá, bác sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 suýt bị đuổi khỏi nơi sinh sống chỉ vì người dân sợ họ mang mầm bệnh.

Chống dịch không chỉ là cuộc chiến với vi rút, các y, bác sĩ còn phải đối mặt với khó khăn trong quá trình tiếp nhận và áp dụng biện pháp cách ly đối với các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Một số trường hợp không hợp tác, thậm chí chống đối vì cho rằng sức khỏe của họ hoàn toàn ổn định nên không cần phải cách ly tại bệnh viện. Các y, bác sĩ đã mất khá nhiều công sức giải thích, thuyết phục, vận động để họ phối hợp. Có bác sĩ trong kíp trực phải nhường chăn của mình cho bệnh nhân, đi mua cho bệnh nhân bàn chải đánh răng, khăn mặt... Những đêm đầu tiên khi áp dụng biện pháp cách ly, những “chiến sĩ blouse trắng” phải chịu đựng tiếng đập cửa ầm ầm, giọng nói gay gắt phát ra từ buồng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ: “Mệt mỏi nhất là chịu đựng sự bức xúc của những bệnh nhân đang phải cách ly. Họ, có người đang đi du lịch, ai cũng có kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết, bây giờ lại phải cách ly với cuộc sống bên ngoài, không được đi lại, chấp nhận các dịch vụ tối thiểu... nên khó chịu là đương nhiên. Nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng cần nhìn vào mục tiêu lớn nhất là chiến thắng dịch bệnh, từ đó thúc đẩy tinh thần phối hợp giữa các bên. Nếu như chúng ta phối hợp với nhau, thông cảm cho nhau thì mọi việc sẽ trôi chảy; còn nếu cứ đổ sự bức xúc lên đầu nhân viên y tế thì sự căng thẳng của họ sẽ tăng, hiệu quả làm việc giảm đi”.

Khi được hỏi việc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao thì có lo cho sức khỏe bản thân hay không, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định “Kinh nghiệm quý giá nhất, mang tính sống còn mà chúng tôi rút ra được khi chống dịch, đó là nhân viên y tế cần bảo đảm an toàn cho bản thân. Thầy thuốc mà không an toàn thì lấy ai điều trị cho bệnh nhân? Thế nên, việc hình thành các kỹ năng bảo đảm an toàn cho thầy thuốc cũng như tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và thầy thuốc, hay giữa bệnh nhân với nhau là cực kỳ quan trọng. Ngay cả những việc rất đơn giản cũng phải đưa vào quy trình, trở thành kỹ năng, như việc cởi chiếc áo ra khỏi người nhân viên y tế, mở cánh cửa, rửa đôi bàn tay... Tất cả đều phải bảo đảm an toàn”.

Chuyến bay đặc biệt đến tâm dịch Vũ Hán

Sáng ngày 10-2, trên chuyến bay chở 30 công dân từ Vũ Hán trở về Việt Nam, có 3 y, bác sĩ tháp tùng đoàn để chăm lo sức khỏe cho những người có mặt trong chuyến bay đặc biệt đó.

Trong đoàn người trở về từ “tâm dịch” có một phụ nữ mang thai ở tháng thứ 8, do đó, Bộ Y tế đã lựa chọn một bác sĩ sản khoa từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương để đề phòng trường hợp thai phụ sinh con hoặc xuất hiện tai biến sản khoa trên chuyến bay.

Bác sĩ thứ hai là Phó khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là vị bác sĩ sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân khi có tình huống bất trắc xảy ra. Thứ ba là một điều dưỡng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người sẵn sàng thực hiện các y lệnh của bác sĩ khi cần thiết.

Kể về chuyến bay đến Vũ Hán, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Thi đua và Khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết: Thời điểm tới thành phố Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài xuống thấp - chỉ khoảng 3oC nhưng ai cũng lo lắng, mồ hôi túa ra bởi nóng lòng đưa 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam...) trở về nước an toàn.

Khi chứng kiến các công dân Việt Nam an toàn trở về quê hương, trong mắt các y, bác sĩ ánh lên niềm vui khôn tả dù theo quy định, để bảo đảm an toàn, họ sẽ phải xa gia đình, chịu cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe. Họ đã sẵn sàng cho điều đó, bởi khi đã chọn nghề thầy thuốc để theo đuổi, đội ngũ y, bác sĩ là những người hiểu rõ những gì cần làm trước nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm.

Rồi đây, khi dịch bệnh qua đi, cộng đồng thế giới cũng như Việt Nam sẽ ghi nhớ bài học về công cuộc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm cũng như sự hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “chiến binh blouse trắng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.