Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một xã hội hòa nhập cho người khuyết tật

Mai Hoa| 03/12/2022 06:28

(HNM) - “Liên kết, tập hợp sức mạnh, điều phối các nguồn lực, tạo điều kiện để cộng đồng người khuyết tật hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc và sinh hoạt, vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật” là mục tiêu quan trọng trong công tác chăm sóc người khuyết tật. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.

Quang cảnh phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật tại Sàn giao dịch việc làm 215 Trung Kính (quận Cầu Giấy), ngày 22-11.

- Trước hết, ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác người khuyết tật thời gian qua?

- Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật và đưa các nội dung liên quan vào các luật chuyên ngành, như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm... Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn…

- Tuy nhiên, thực tế là đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, thưa ông?

- Hiện tại, vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm... Việc tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn; các công trình xây dựng trước đây không được quan tâm cải tạo bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật. Người khuyết tật cũng khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao ở cơ sở. Hơn nữa, mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người khuyết tật còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng, dịch vụ trị liệu tâm lý…

- Trong bối cảnh đó, việc dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm việc làm để có thể ổn định thu nhập, bảo đảm sự hòa nhập cộng đồng về mọi mặt có ý nghĩa vô cùng quan trọng?

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan trung ương trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với người khuyết tật; bảo đảm người khuyết tật chiếm ít nhất 10% chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo của địa phương.

Đặc biệt, Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5-8-2020 đã phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 và một trong các chỉ tiêu đặt ra là có 500.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật, thì cần có cơ chế khuyến khích các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt, tiên tiến, sẵn sàng nhận người khuyết tật vào học nghề, đào tạo để họ có thể tự tạo việc làm ở nhà, gia đình, hoặc có thể tham gia vào thị trường lao động.

- Với 50 tổ chức thành viên, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn, thưa ông?

- Liên hiệp hội sẽ tham mưu đánh giá tổng kết Luật Người khuyết tật, qua đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và thực tiễn tại Việt Nam. Cùng với đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác người khuyết tật ở cơ sở...

Ngoài ra, Liên hiệp Hội cũng tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức thành viên, trang bị kiến thức, hỗ trợ người khuyết tật nắm bắt thông tin, chính sách, pháp luật để tự bảo vệ các quyền của mình trong việc tham gia vào các hoạt động chung của xã hội. Tổ chức các khóa dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, thúc đẩy xúc tiến các dịch vụ thương mại, kết nối đưa sản phẩm của người khuyết tật làm ra đến với thị trường… Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người khuyết tật hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc, vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một xã hội hòa nhập cho người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.