Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa: Nỗ lực bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

Mai Đình| 18/02/2023 07:00

(HNMCT) - NSND Thanh Hoa là nghệ sĩ tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà với những ca khúc đi cùng năm tháng: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Tàu anh qua núi”, “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”... Dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tích cực đồng hành cùng các nghệ sĩ trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) hơn 6 năm qua.

- Thưa NSND Thanh Hoa, trong vai trò là Chủ tịch APPA, nghe nói bà cùng các đồng nghiệp đang chuẩn bị khởi động trở lại chương trình lưu diễn âm nhạc “Tôi yêu tiếng nước tôi”?

- Đây là một trong những chương trình mà tôi ấp ủ từ lâu, đặc biệt là từ khi tôi làm Chủ tịch APPA. Đó là cơ hội để chúng tôi thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc bảo tồn ngôn ngữ Việt. Trong suốt mấy chục năm làm ca sĩ, tôi đã đi biểu diễn ở nước ngoài rất nhiều, được bà con yêu quý. Cho nên, đây cũng là phần việc để tôi được “trả nghĩa” cho bà con, giúp họ được hát tiếng Việt, nhớ về quê hương qua những làn điệu dân ca mọi miền.

Chương trình “Tôi yêu tiếng nước tôi” được tổ chức lần thứ nhất là vào năm 2017, ở Cộng hòa Séc; lần thứ hai vào năm 2018, tại Ba Lan. Sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, năm nay, chúng tôi dự định tổ chức chương trình “Tôi yêu tiếng nước tôi” lần thứ 3 tại Pháp vào khoảng tháng 5 tới. Đối tượng tham gia cuộc thi rộng mở với bất cứ ai thích hát tiếng Việt, hát dân ca Việt. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ rằng cuộc thi này dành phần lớn cho đồng bào ở xa Tổ quốc.

- Có vẻ như bà và các đồng nghiệp đang nỗ lực để hiện thực hóa mong ước rằng APPA sẽ là nơi các nghệ sĩ chia sẻ yêu thương và giúp họ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

- Đây là công việc của tập thể. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã huy động sự ủng hộ của các Mạnh thường quân, tặng 10 suất học bổng cho những tài năng âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, mỗi học bổng 5 triệu đồng. Vừa rồi, 35 thành viên của APPA bao gồm những ca sĩ như Huyền Trang, Lan Anh, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Đăng Thuật... đã tổ chức một đêm diễn không nhận cát sê và dành tiền đó để tri ân 35 nghệ sĩ tên tuổi ở các tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... Chúng tôi cảm thấy đó là việc ý nghĩa với các nghệ sĩ, là sự gắn kết trách nhiệm, xứng đáng với sự tin yêu của công chúng.

Mặc dù được Đảng và Nhà nước cho thành lập được 6 năm rồi nhưng chúng tôi nhận thấy mình vẫn chưa làm được nhiều, bởi vẫn còn nhiều khúc mắc trong vấn đề bản quyền. Dường như sự nhìn nhận và quan tâm của xã hội với vấn đề bản quyền chưa nhiều. Cho đến nay, số tiền mà chúng tôi thu được chưa đáng là bao. Bên cạnh đó, cũng chưa có những quy định cụ thể về pháp luật nên chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, cần có nhiều hoạt động để quảng bá cho APPA. Hiệp hội ra đời quá muộn, và tiếng nói của người biểu diễn đã bị quên lãng trong nhiều năm qua.

- Bà có thể lý giải cụ thể hơn về quyền của người nghệ sĩ biểu diễn?

- Thế giới đã có quy định về quyền của người nghệ sĩ biểu diễn, nôm na thì đó là quyền liên quan. Trong một tác phẩm âm nhạc, tác giả là người sáng tác nhưng nếu không có người nghệ sĩ biểu diễn thì tác phẩm sẽ không thể đến với công chúng. Không có nghệ sĩ kéo đàn thì các bản nhạc sẽ không thể ngân vang, kể cả nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc dạo... Thế giới đã công nhận quyền của người biểu diễn từ rất lâu. Tác giả, nhà sản xuất và người biểu diễn là sự gắn kết không thể tách rời và quyền lợi của ba đối tượng này cần được thừa nhận và bảo đảm.

- Quyền của người nghệ sĩ biểu diễn sẽ được thực thi như thế nào, thưa NSND Thanh Hoa?

- Nếu chúng tôi biểu diễn lần thứ nhất thì đương nhiên sẽ được hưởng cát sê cho buổi biểu diễn ấy. Nhưng nếu chương trình ấy được ghi hình và phát lại (tái sử dụng) thì chúng tôi cũng phải được hưởng quyền lợi của mình. Hay như ở các cơ sở kinh doanh karaoke cũng vậy. Họ đang sử dụng hình ảnh, trí tuệ, công sức lao động của chúng tôi đấy chứ. Năm vừa qua, đã có những thay đổi về quyền sở hữu trí tuệ nhưng chúng tôi vẫn mong muốn có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đáng tiếc là hiện nay, nhiều nghệ sĩ biểu diễn cũng không hiểu được giá trị, quyền lợi mà mình đáng được hưởng ở quyền liên quan ấy như thế nào.

- Mọi người thường khen NSND Thanh Hoa là giọng hát không tuổi. Điều đó có làm bà lo lắng hay chịu áp lực, đặc biệt là khi đảm đương thêm trách nhiệm “bà bầu” của APPA?

- Tôi luôn quên mình là người bao nhiêu tuổi. Tôi vẫn say mê hát “Tàu anh qua núi” hay “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa”... Có lẽ điều đó thuộc về tính cách của tôi, luôn say mê, yêu đời. Hãy cứ sống, yêu đời và làm điều mà mình thích. Tôi đã gắn bó cuộc đời mình với âm nhạc, đem đến niềm vui cho tất cả mọi người. Tôi mong muốn được gắn kết tất cả mọi người bằng âm nhạc.

- Xin trân trọng cảm ơn NSND Thanh Hoa!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa: Nỗ lực bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.