Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đau đáu với nghệ thuật tuồng

Lý An| 02/05/2019 07:18

(HNMCT) - Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa dàn dựng và giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở tuồng Nhân Huệ Vương. Hóa thân xuất sắc vào vai Nhân Huệ Vương - Phiêu kỵ tướng quân Trần Khánh Dư, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Ánh Dương đã mang đến cho công chúng những cảm nhận mới, phần nào đưa đến những kiến giải hợp lý về một nhân vật lịch sử có nhiều tranh cãi.

NSND Ánh Dương trong vai Trần Khánh Dư.


- Vở tuồng lịch sử Nhân Huệ Vương là vở diễn mà Nhà hát Tuồng Việt Nam dành nhiều tâm huyết đầu tư. Đây là vở diễn sẽ tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức vào tháng 5 tới và hướng tới Lễ kỷ niệm 60 năm Nhà hát Tuồng Việt Nam. Anh có thể chia sẻ đôi chút về vai diễn của mình trong vở tuồng lịch sử này?

- Trần Khánh Dư là nhân vật lịch sử có rất nhiều tranh luận xung quanh cuộc đời và sự nghiệp. Đây có thể nói là một nhân vật đa diện, có tài nhưng có tật. Tuy nhiên, lòng tận trung báo quốc, tài năng quân sự của ông là điều không thể phủ nhận. Vở Nhân Huệ Vương tập trung khắc họa chiến thắng Vân Đồn, trận đánh thể hiện tài trí của Phiêu kỵ tướng quân Trần Khánh Dư, cũng như tấm lòng trung kiên của ông đối với nhà Trần. Với nhân vật này, để làm được hay thì bản thân tôi cũng cảm thấy rất khó, bởi ông không phải là nhân vật lịch sử toàn tài. Vậy làm sao phải khắc họa được sự đa dạng trong tính cách Trần Khánh Dư, cả những đau đáu của ông nơi trận mạc bởi ông cũng từng thất bại rồi mới thành công. Đây là mẫu nhân vật phức tạp chứ không phải kiểu nhân vật anh hùng, dũng tướng thông thường.

Vở Nhân Huệ Vương là công trình nghệ thuật mang tính đại diện cho Nhà hát Tuồng ở hai sự kiện lớn như bạn vừa nhắc, vì vậy nhà hát huy động tổng lực anh chị em nghệ sĩ cũng như những đầu tư tốt nhất. Hy vọng vở diễn sẽ làm hài lòng khán giả yêu sân khấu tuồng.

- 30 năm có lẻ gắn bó với sân khấu tuồng, tên tuổi Ánh Dương gắn liền với các vai diễn “để đời” nổi tiếng như Hồ Quý Ly, Nguyễn Tri Phương...Giờ đây, ngoài công việc ở nhà hát, anh còn tham gia giảng dạy. Anh thấy lớp trẻ hiện nay đón nhận nghệ thuật tuồng như thế nào?


- Tôi đang lui dần vào phía sau để nhường lại sân khấu cho lớp trẻ. Thực tế khi đào tạo, tôi thấy các bạn trẻ rất yêu nghề, điều đó tạo ra cho người thầy sự hưng phấn để truyền nghề. Nhưng đó chỉ là lúc đào tạo thôi, còn khi ra trường, có tồn tại được hay không lại là câu chuyện khác vì nếu cuộc sống không đảm bảo thì có yêu nghề cũng khó mà gắn bó lâu dài được. Mà nghệ thuật sân khấu bây giờ, nhất là sân khấu kịch hát khó khăn lắm, sân khấu tuồng càng khó khăn gấp bội bởi nó kén khán giả. Các cụ vẫn nói “có thực mới vực được đạo”, không đủ ăn thì làm sao làm tốt được. Khóa học sinh mới nhất có hơn 30 em nhưng khi ra trường 5-6 em đã bỏ nghề, mà tiếc lắm vì toàn những em vừa có sắc vừa có tài.

- Anh từng chia sẻ rất nhiều những tâm sự vượt khó để bám nghề và giờ đây cũng có thể nói đã đi trọn vẹn, thành danh trên con đường nghệ thuật. Câu chuyện của bản thân anh có tạo thêm động lực cho các bạn trẻ?

- Lúc chúng tôi vào nghề hoàn cảnh sân khấu khác bây giờ. Lúc đó sân khấu tuồng vẫn còn một chút bao cấp, khán giả chưa có quá nhiều lựa chọn giải trí, thậm chí “bê đến tận giường” như bây giờ nên ra trường là được đi diễn ngay, diễn liên miên. Vậy mà thu nhập ăn còn chẳng đủ. Nhiều lúc bản thân tôi cũng giằng xé với câu hỏi: Có nên tiếp tục theo nghề hay không?

Hơn 30 năm làm nghề, là NSND một đời cống hiến cho nghệ thuật mà giờ đây bản thân tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo mới đủ trang trải cho gia đình. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi khi lương mình không bằng con trai vừa ra trường! Mình còn thế thì các cháu mới ra trường khó khăn đến mức nào? Học bao nhiêu năm ra trường, lương 2 triệu đồng một tháng, đấy là nhà hát còn tạo điều kiện cho về chỗ ở, nhưng lương như vậy thì làm sao mà đảm bảo được cuộc sống?

Tôi mong muốn và đề nghị cần có cơ chế đặc thù cho nghệ thuật tuồng. Nếu không có cơ chế đặc thù, sẽ rất khó giữ lớp trẻ gắn bó với nghệ thuật truyền thống!

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau đáu với nghệ thuật tuồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.