Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành điểm du lịch cấp thành phố

Hoàng Lân| 19/07/2019 16:39

(HNMO) - UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch cấp thành phố. Đây là cơ hội để di tích này phát huy thêm những giá trị mà mình đang có, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp xu hướng.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước.

Sức sống của di tích

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, đến nay trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước. Di tích này cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12-5-2012. 

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Nội Tự) và Vườn Giám. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành biểu tượng văn hóa và tinh thần hiếu học của người Hà Nội. 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô và cả nước, mà đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại.

Với giá trị về tâm linh, văn hóa, kiến trúc, trong nhiều năm qua, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Trong các báo cáo hoạt động hằng tháng của Sở Du lịch Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nằm trong danh sách những di tích có hoạt động ổn định, điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô. Tính riêng từ đầu năm đến nay, số lượng du khách đến tham quan Văn Miếu đạt gần 900 ngàn lượt.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, việc di tích này trở thành điểm du lịch cấp thành phố đã thể hiện sự ghi nhận của thành phố Hà Nội đối với các hoạt động tại di tích, đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ cho trung tâm đưa di tích trở thành điểm du lịch chất lượng cao của Thủ đô và cả nước.

82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, công tác phát huy giá trị điểm đến của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thể hiện bằng những hoạt động, sản phẩm mang lại sự tiện ích cho du khách. Năm 2018, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã cho ra mắt hệ thống các biển chỉ dẫn, biển thông tin bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ được đưa vào sử dụng đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm, các hội thảo khoa học, giáo dục di sản, các chương trình nghệ thuật phù hợp… để giới thiệu di tích tới người dân và du khách.

“Một trong những điểm mới mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn quan tâm đó là hướng tới môi trường du lịch thân thiện. Vừa qua, trung tâm đã cho lắp đặt những bình lọc nước tự động để du khách có thể sử dụng thay vì dùng chai nhựa. Các thùng rác cũng được thiết kế riêng với mẫu mã thân thiện môi trường, được đặt ở nhiều điểm để thuận tiện cho du khách cùng giữ gìn vệ sinh chung”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.

Lập quy hoạch để phát huy giá trị di tích

Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang là một trong những điểm đến thu hút du khách, nhưng để phát huy hơn nữa giá trị của di tích này, cần một đề án quy hoạch tổng thể và bài bản.

Thực tế, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang gặp phải không ít vấn đề về quy hoạch do đường giao thông nhỏ hẹp. Nhiều đoàn khách đến tham quan nếu sử dụng xe du lịch lớn (45 chỗ) sẽ không có chỗ để xe. Vào những ngày lễ, Tết, những điểm gửi xe để vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám khá bất cập, dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn. Chưa kể, không gian di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị chia cắt giữa khu Nội Tự, Vườn Giám với Hồ Văn bằng con đường Quốc Tử Giám luôn tấp nập người qua lại.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trung tâm đang gấp rút hoàn thiện các bước để báo cáo UBND thành phố chọn đối tác lập quy hoạch, sau đó sẽ phối hợp với đơn vị lập quy hoạch khảo sát, đánh giá thực tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng dân cư... để đưa ra phương án tối ưu cho Văn Miếu. 

Thời gian tới, trung tâm cũng dự tính xin phép thành phố cho lập chốt đèn giao thông tại ngã ba đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giãn cách thời gian để giúp du khách di chuyển giữa khu Nội Tự và Hồ Văn thuận lợi, an toàn. Trung tâm cũng lên dự án phục dựng Phương Đình trên đảo (gò) Kim Châu giữa Hồ Văn nhằm quảng bá các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cùng nhiều hoạt động tương tác để du khách được khám phá không gian truyền thống văn hóa xưa.

Thời điểm này, quy hoạch tổng thể lại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là bài toán cần cân nhắc kỹ, nhưng trước mắt, di sản này vẫn đang tạo được sức sống riêng nhờ vào những giá trị văn hóa, tinh thần, các sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, hấp dẫn người dân và du khách.

Ngày 19-4-2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 430/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch trên cơ sở khu vực bảo vệ 1 của di tích, gồm: Khu Nội Tự, Vườn Giám và Hồ Văn với tổng diện tích hơn 5,4ha. Đây được xem là bước đi lâu dài để khắc phục những hạn chế, tồn tại, khơi dậy tiềm năng, phát huy giá trị di tích này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành điểm du lịch cấp thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.