Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cồn Sơn - “viên ngọc xanh” xứ Tây Đô

Bài và ảnh: Linh Tâm| 26/09/2019 13:52

(HNMCT) - Được phù sa sông Hậu bồi đắp suốt hơn một thế kỷ, cồn Sơn - một cù lao nổi có hình dáng tựa viên ngọc nằm trong miệng rồng, nay đã trở thành vùng đất trù phú. Người dân trên cồn không chỉ sinh sống bằng nghề trồng cây trái, đánh bắt thủy sản mà còn chủ động, sáng tạo phát triển du lịch “xanh” gắn với văn hóa bản địa một cách bền vững...

Du khách trải nghiệm làm các món bánh truyền thống của người miền Tây Nam Bộ tại gia đình nghệ nhân Bảy Muôn.

Xanh mướt cồn Sơn

Nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 600m với hơn 10 phút đi thuyền máy từ bến phà Cô Bắc, cồn Sơn (thuộc khu vực 1 phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) chào đón du khách bằng một màu xanh mướt của cây cối nổi bật trên dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa đang mùa nước nổi. Điểm dừng chân đầu tiên là bè cá Bảy Bon, nơi nuôi hàng chục loài cá quý hiếm với khoảng 30 bè, cho thu hoạch hàng chục nghìn tấn cá mỗi năm. Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá hào sảng chào đón du khách như thể đón người thân đã lâu mới trở về. Dẫn khách tham quan từng bè cá, giới thiệu chi tiết từng loài, thói quen và những kỹ thuật chăm sóc chúng, ông Bon nói: “Ở đây có rất nhiều loài cá quý hiếm, thậm chí có trong Sách đỏ của Việt Nam.

Do khai thác quá đà nên một số loài phải nhập từ nước láng giềng Campuchia về để bảo tồn như cá heo, cá leo, cá chà sóc...”. Ngoài việc bảo tồn các loài cá quý hiếm để nhân giống, ông Bon cũng nuôi nhiều loài khác để phát triển kinh tế như trê hồng, hỏa long (chạch lửa), hồng vĩ mỏ vịt, cá cọp, cá koi ngũ sắc... Lập nghiệp tại cồn Sơn gần 20 năm, giờ đây bè cá Bảy Bon đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan cồn Sơn. Ông Bon cũng có một xưởng công suất lớn chuyên chế biến các sản phẩm từ cá phục vụ du khách có nhu cầu mua làm quà mang về. Thu nhập từ bè cá mang lại cho ông 5-10 tỷ đồng mỗi năm.

Theo con đường mòn, bước qua cây cầu bắc ngang con rạch nhỏ dẫn vào làng, du khách cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác - thế giới của cây cỏ, chim chóc, của những hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng hay những hàng rào hoa đủ màu sắc dọc lối đi. Ngay phía ngoài, người dân cồn Sơn nhắc nhở du khách có ý thức khi tham quan bằng một tấm biển bằng gỗ đề dòng chữ: “Không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy đi gì ngoài những bức ảnh”. 

Lạc bước trong không gian xanh ngút ngàn, du khách có thể thỏa thích dạo chơi giữa những hàng bưởi, cam, dừa, dâu Hạ Châu, dứa, nhãn... Chỉ cần với tay lên là có thể chạm cây trái ngọt lành. Điều đặc biệt là ở cồn Sơn, mỗi gia đình trồng các loài rau, quả khác nhau, không nhà nào giống nhà nào. Tại nhà vườn của cô Ba Vàm Hồ, du khách có dịp thoải mái lựa chọn những quả bưởi to tròn ngọt lịm, được tát mương bắt cá đồng... Đến với vườn nhãn Idor Sáu Cảnh, du khách lại được tự tay hái những chùm nhãn Idor quả to lạ thường, được chèo xuồng ba lá trên mương và thưởng thức lẩu mắm, gà xé bưởi, cá tai tượng gỏi mít... Còn nếu vào nhà vườn Công Minh, du khách được trực tiếp học hỏi nghệ nhân Phan Kim Ngân (Bảy Muôn) cách làm các món bánh truyền thống của người miền Tây như bánh xèo, bánh khọt, bánh kẹp nướng, bánh in...

Sau một ngày trải nghiệm các hoạt động tại cồn Sơn, vợ chồng du khách người Tây Ban Nha - ông Jose A.Lorente và bà Begonia Remon, thích thú chia sẻ: “Chúng tôi đã có những trải nghiệm thực sự thú vị trong khung cảnh làng quê miền Tây Nam Bộ truyền thống của Việt Nam. Bạn có thể cảm nhận được thiên nhiên trong lành bằng tất cả các giác quan, đồng thời tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt phong phú của người dân bản địa. Đây là chuyến đi “tiền trạm” và chúng tôi sẽ quay trở lại đây vào tháng sau cùng cả gia đình. Việt Nam thực sự là một đất nước tươi đẹp, an toàn và giàu bản sắc”.

“Điểm sáng” du lịch cộng đồng

Với diện tích tự nhiên 131ha bề nổi, trong đó diện tích đất trồng trọt là 74ha, cồn Sơn có ưu thế nổi trội trong việc trồng các loài cây ăn quả, các loài rau và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh nghề nông, trong số 79 hộ dân hiện đang sinh sống trên cồn có hơn 30 hộ tham gia làm du lịch, trong đó có 19 hộ làm du lịch cộng đồng một cách khá bài bản, chuyên nghiệp. 

Điều đặc biệt là việc làm du lịch được các gia đình ở cồn Sơn thực hiện với tinh thần chia sẻ, hỗ trợ nhau. Khách đến, nếu có nhu cầu dùng bữa sau khi tham quan quanh làng, mỗi hộ sẽ làm 1 - 2 món sở trường bằng nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà mình rồi góp chung thành mâm cơm đãi khách. Như thế, mâm cơm vừa có đủ các đặc sản của cồn Sơn, vừa thắm đượm tình làng nghĩa xóm trong một mối dây liên kết bền chặt, tránh được việc cạnh tranh không lành mạnh hay tình trạng nài ép, chèo kéo khách. Đó cũng là nét văn hóa nổi bật, để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi du khách khi đến với cồn Sơn. 

Bà Phan Kim Ngân, chủ nhà vườn Công Minh đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ - nơi tập trung các hộ làm du lịch cộng đồng của cồn Sơn cho biết: Câu lạc bộ hiện thu hút 19 hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng thường xuyên. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, các hộ gia đình đều được tạo điều kiện tối đa để hoạt động, được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp khách, được phổ biến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng các hộ làm du lịch ở cồn Sơn đã nhanh chóng nắm bắt, tuân thủ các quy định chung, cùng nhau làm du lịch cộng động khá bài bản, chuyên nghiệp. Nhờ đó, lượng khách đến cồn Sơn luôn tăng trưởng hằng năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cải thiện đời sống đáng kể cho người dân. Có những hộ hiện đạt doanh thu trung bình trên 100 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ dùng một phần thu nhập từ du lịch để tái đầu tư cho hoạt động này.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết, mô hình du lịch cộng đồng ở cồn Sơn đã trở thành “điểm sáng” trong định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của thành phố những năm gần đây. Không chỉ gắn bó, giúp đỡ nhau trong đời sống hằng ngày, bà con ở đây còn biết bảo nhau phát triển du lịch bền vững thông qua việc hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác để thu gom và xử lý theo đúng quy định... Tất cả phản ánh đời sống văn hóa đa dạng, gắn bó với thiên nhiên từ bao đời của người dân miền Tây Nam Bộ. Nhờ vậy, cồn Sơn đang ngày càng được biết đến như “viên ngọc xanh” giữa lòng thành phố Cần Thơ xinh đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cồn Sơn - “viên ngọc xanh” xứ Tây Đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.