Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng xây dựng xã hội học tập

Minh Vũ| 04/06/2021 06:20

(HNM) - Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” có nhiều định hướng hữu ích cho sự phát triển của hoạt động giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần cùng xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới.

Giờ thực hành nghề công nghệ ô tô của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Sau khi giành Huy chương vàng cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2021, sinh viên Đinh Ngọc Tú (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội) cho biết: “Dù chưa ra trường, em đã nhận được lời mời tuyển dụng của một số doanh nghiệp. Em rất vui và sẽ cố gắng học tập thật tốt để tìm được vị trí việc làm phù hợp”.

Cũng như Đinh Ngọc Tú, được tiếp cận các mô hình đào tạo nghề bám sát thực tiễn hiện nay, không ít sinh viên đã vững tay nghề ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và dễ dàng tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong thập kỷ qua, trung bình mỗi năm, cả nước tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 2 triệu lượt người và hơn 80% số người học có việc làm. Kết quả này đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta tăng từ 38,5% vào năm 2015 lên 64,5% vào năm 2020. “Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của giáo dục nghề nghiệp đã góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng xã hội học tập”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhận định.

Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh, đào tạo nghề hằng năm hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động cũng như nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ bất cập, chưa khuyến khích, thu hút sự tham gia của đa số doanh nghiệp vào công tác tuyển sinh, đào tạo nghề...

Còn Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động đổi mới, sáng tạo, nên chất lượng chưa theo sát thực tiễn. Về phía người lao động, một số người chưa tự trang bị các kỹ năng nghề cần thiết, nên khó tìm việc làm hoặc có việc làm nhưng năng suất thấp...

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đinh Ngọc Tú (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tại cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tháng 4-2021.

Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát triển mô hình giáo dục mở gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động. Ngoài ra, toàn ngành cần quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp, gắn với sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo điều kiện cho người học vừa được học nghề, vừa có cơ hội học tập liên thông để nâng cao trình độ...

Để từng bước hiện thực hóa chủ trương, định hướng nêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025 với nội dung xuyên suốt là xây dựng chính sách việc làm gắn với giáo dục nghề nghiệp; phát triển kỹ năng nghề quốc gia đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. “Theo hướng đi này, hoạt động đào tạo nghề sẽ luôn theo sát nhu cầu sử dụng lao động của thị trường việc làm và ngược lại, bảo đảm đại đa số người học nghề có việc làm”, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình thông tin.

Theo định hướng chính sách, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã, đang tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2021 theo phương án linh hoạt, mở rộng tuyển sinh, đa dạng hình thức đào tạo (trực tiếp, trực tuyến, từ xa) để mọi đối tượng lao động đều có thể học nghề. Cùng với đó, các nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo sát nhu cầu thực tiễn. “Mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp người học được đào tạo đúng địa chỉ, còn doanh nghiệp có được lao động vững kỹ năng”, Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết.

Tại các địa phương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm phân luồng học sinh vào học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đặc biệt, một số địa phương đã có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối tượng học nghề là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, lao động nông thôn, lao động chưa có việc làm...

Với nhiều giải pháp được triển khai, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng tin tưởng, giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 19,8 triệu người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên khoảng 70-75% (trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt ít nhất 30%) và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng xây dựng xã hội học tập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.