Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng

Thống Nhất| 26/08/2022 06:22

(HNM) - Ngày 5-9-2022, cùng với học sinh cả nước, hơn 1,6 triệu học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội chính thức bước vào năm học 2022-2023. Thời điểm này, các nhà trường đã cơ bản hoàn tất các điều kiện đón năm học mới. Trong đó, việc bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước ngày khai giảng là mục tiêu, cũng là giải pháp của các nhà trường, nhằm tổ chức dạy - học chất lượng ngay từ những ngày đầu tiên của năm học.

Người dân chọn mua sách giáo khoa tại nhà sách Fahasa (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Kịp thời cung ứng sách giáo khoa

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông. Theo đó, học sinh lớp 10 sẽ học theo sách giáo khoa mới. Điểm mới đáng chú ý so với học sinh lớp 10 học chương trình hiện hành là các em có các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn. Điều này đòi hỏi các nhà trường phải quan tâm sát sao với từng học sinh hơn, nhất là trong việc chuẩn bị sách giáo khoa.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, nhà trường công khai danh mục sách giáo khoa và thông báo rộng rãi để học sinh đăng ký sách. Đến nay, gần 700 học sinh lớp 10 của trường đã có đủ sách giáo khoa, sẵn sàng cho năm học mới.

Đây cũng là năm học mà học sinh lớp 3 và lớp 7 lần đầu tiên học sách giáo khoa mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, việc cung ứng sách giáo khoa của các nhà trường được thực hiện thống nhất theo quy trình, từ thông báo sách giáo khoa mà trường lựa chọn cho phụ huynh học sinh, đến tổ chức cho học sinh đăng ký… Các trường cũng mua sách dùng chung cho giáo viên và chuẩn bị số lượng sách giáo khoa ở mỗi khối lớp, dự phòng trường hợp học sinh thiếu sách có thể tặng hoặc cho mượn.

Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, nếu như năm trước, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các trường phải chuyển sách về từng thôn, gia đình học sinh, thì năm nay, việc chuyển sách đến học sinh thuận lợi hơn rất nhiều. Những học sinh không thể đến trường nhận sách đã được chuyển tận nhà. Phòng cũng đã chỉ đạo các nhà trường huy động nguồn lực để mua sách giáo khoa bổ sung cho thư viện. Hiện tại, các nhà trường tiếp tục rà soát trường hợp khó khăn hoặc không đăng ký nhận sách tại trường mà chưa tìm mua được ở ngoài để kịp thời hỗ trợ, bảo đảm học sinh có đủ sách trong tháng 8.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Quang Minh (huyện Mê Linh) nghiên cứu, thảo luận về sách giáo khoa phục vụ công tác giảng dạy năm học 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Quang

Không bỏ ai ở lại phía sau

Năm học 2022-2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, bởi vậy, tinh thần chung ở các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội là hỗ trợ học sinh thường xuyên, liên tục, bảo đảm không bỏ ai ở lại phía sau.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô sẽ đẩy mạnh phong trào hỗ trợ bằng cách khuyến khích các trường ở địa bàn thuận lợi kết nghĩa, chia sẻ, hỗ trợ trường ở nơi khó khăn; lan tỏa mô hình quận giúp huyện, trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên, nhằm giảm dần khoảng cách về điều kiện, chất lượng dạy học giữa các địa bàn.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, quận tiếp tục hỗ trợ các trường học ở huyện Phú Xuyên, giúp học sinh nơi đây có thêm các điều kiện học tập tốt hơn. Ngành Giáo dục quận cũng đẩy mạnh cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn”; phát động phong trào “Lá lành đùm lá rách”, phát huy tinh thần hỗ trợ tại chỗ ở từng đơn vị, bảo đảm không có học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể tới trường hoặc học tập trong điều kiện thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập…

Với quyết tâm không để học sinh nào thiếu sách trước ngày khai giảng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng thông tin, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên áp dụng sách giáo khoa mới với các lớp 3, 7, 10. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các nhà trường chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa theo số lượng địa phương đăng ký. Đây là một thách thức rất lớn với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, bởi việc công bố danh mục sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường chậm hơn so với thời gian quy định. Đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ theo nhu cầu. Đến nay, đã có khoảng 56 triệu bản sách giáo khoa theo chương trình hiện hành và khoảng 80 triệu bản sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phát hành; trong đó, tại Hà Nội, đơn vị đã cung ứng hơn 12 triệu bản.

“Trong trường hợp cần hỗ trợ về việc mua sách giáo khoa, học sinh, phụ huynh có thể liên hệ tới số máy điện thoại đường dây nóng 0344 181 018 từ 8h đến 22h hằng ngày. Đường dây nóng sẽ được duy trì liên tục đến ngày 15-9-2022, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, trên tinh thần nỗ lực cung ứng kịp thời, đầy đủ sách giáo khoa theo nhu cầu của học sinh”, ông Nguyễn Văn Tùng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.