Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học: Tinh giản nội dung, linh hoạt thời gian

Thống Nhất| 09/05/2021 12:54

(HNMO) - Ngày mai (10-5), học sinh trên địa bàn Hà Nội bước sang tuần học trực tuyến thứ hai, kể từ đợt tạm nghỉ học từ ngày 4-5-2021. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường đã chủ động, tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh nỗ lực khắc phục khó khăn.

Với học sinh tiểu học, việc dạy học trực tuyến không chỉ đòi hỏi sự chung sức bền bỉ của nhà trường - gia đình, mà còn cần sự sắp xếp, bố trí linh hoạt về thời gian và tinh giản nội dung phù hợp để vừa dạy học chất lượng, vừa tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý học sinh. 

Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) được người thân hỗ trợ học trực tuyến tại nhà.

Ưu tiên học sinh lớp bé

Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 4-5-2021, trẻ mầm non và học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Ngay khi có thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã chuyển sang hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. 

Theo ghi nhận, do có sự chủ động chuẩn bị và kinh nghiệm triển khai từ các đợt dịch trước đây, nên công tác tổ chức dạy học trực tuyến ở các nhà trường đã được thực hiện nền nếp, bài bản và hiệu quả hơn. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, 8 trường tiểu học trên địa bàn đã chuyển sang dạy học trực tuyến theo đúng chỉ đạo và bảo đảm tổ chức dạy học chất lượng. Học sinh các khối lớp bé như lớp 1, 2, 3 luôn nhận được sự quan tâm nhiều nhất, bởi việc học trực tuyến đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ năng và cần sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên hơn. 

25 trường tiểu học trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng đã tổ chức dạy học trực tuyến nền nếp, ổn định từ ngày 4-5-2021. Ông Hoàng Mạnh Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ cho biết, đây không phải lần đầu tiên học sinh học trực tuyến, nên về cơ bản, hầu hết các em đã có ý thức và thói quen học trực tuyến khi có yêu cầu. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận bài học của mỗi học sinh không giống nhau. Giáo viên của các khối lớp 1, 2 và 3 đều cố gắng duy trì việc liên lạc với phụ huynh học sinh hằng ngày, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ thêm cho học sinh ở ngoài giờ học bằng nhiều hình thức linh hoạt. 

Bố trí thời khóa biểu hợp lý

Một cuộc khảo sát nhỏ với phụ huynh học sinh của một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho thấy, về cơ bản, học sinh của các trường công lập có thời khóa biểu khá linh hoạt và nhẹ nhàng.

Bà Nguyễn Thị Mai, có con là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng), cho biết: “Trước khi tổ chức dạy trực tuyến, nhà trường đã tham khảo ý kiến phụ huynh về thời gian học để xây dựng thời khoá biểu phù hợp nhất. Ban đầu tôi khá lo lắng do con mới học lớp 1, chưa thông thạo kỹ năng sử dụng máy tính có kết nối internet, nhưng bây giờ thì cả nhà đều yên tâm vì các giờ học được bố trí vào buổi tối và cũng khá linh hoạt. Bên cạnh đó, không phải bài học nào, môn học nào cũng dạy trực tuyến, mà cô giáo sử dụng nhiều hình thức khác như gửi clip bài tập có hướng dẫn để con tự làm, nên con học khá thoải mái”. 

Trong khi đó, học sinh tiểu học trường ngoài công lập có thời khóa biểu dày hơn. Bà Trần Thị Thanh, có con học lớp 3 Trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm), cho biết: “Con tôi học trực tuyến 5 buổi/tuần, ngày học 2 buổi, buổi sáng từ 7h45 đến 10h35, buổi chiều từ 13h45 đến 15h50. Trong khi đó, bố mẹ lại đi làm cả ngày. Dù con có thể tự đăng nhập vào học, nhưng không loại trừ trường hợp mạng bị trục trặc, hoặc mải chơi, nếu không có bố hoặc mẹ hỗ trợ, nhắc nhở, động viên thường xuyên thì việc học cũng khó được như ý”. 

Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ các đợt dịch trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chỉ đạo về việc tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó có yêu cầu ưu tiên, quan tâm đến học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh các lớp bé để bảo đảm dạy học chất lượng mà không gây quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Việc học cả ngày trước màn hình máy tính trong một thời gian dài có thể khiến học sinh mỏi mắt, mức độ tiếp thu bài bị ảnh hưởng. Các nhà trường lưu ý xây dựng thời khóa biểu dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học phù hợp, lựa chọn khung giờ hợp lý đối với từng độ tuổi và điều kiện thực tế của gia đình học sinh để bảo đảm có đủ thiết bị, sự hỗ trợ cần thiết. 

“Các nhà trường cần nghiêm túc thực hiện dạy, học qua internet theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Công văn số 356/SGDĐT-GDPT ngày 31-1-2021, lưu ý tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa, sắp xếp thành một số bài học tích hợp, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học và tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”, Phó Gám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh. 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học: Tinh giản nội dung, linh hoạt thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.