Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện linh hoạt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Tuấn Minh| 21/10/2021 07:18

(HNM) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 20-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện linh hoạt các giải pháp để vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều "điểm sáng" về ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, hiện tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch…

Trong bối cảnh khó khăn đó, việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tuy có những chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng "bức tranh" tổng thể về kinh tế - xã hội vẫn có những "điểm sáng" về ổn định kinh tế vĩ mô, ước thực hiện cả năm có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt mục tiêu Quốc hội giao. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020, dưới mức Quốc hội giao và lạm phát cơ bản 9 tháng qua chỉ tăng 0,88%. Theo ước tính cả năm, CPI bình quân tăng dưới 4% so với bình quân năm 2020, đạt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện cả năm đạt khoảng 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, bằng 90,6% so với thực hiện năm 2020; chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, bằng 101,3% dự toán. Cùng với đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

“Các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức dưới nhiều hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ, trực tuyến, phù hợp với tình hình dịch bệnh để lan tỏa giá trị tốt đẹp trong nhân dân. Trong khó khăn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc càng được phát huy. Nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã diễn ra sôi nổi, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, khơi dậy và khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, tình thương và lòng nhân ái con người Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế và những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và những tháng cuối năm 2021. Cụ thể, có 4 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt khoảng 3-3,5% trong khi mục tiêu là khoảng 6%; GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660-3.680 USD (mục tiêu khoảng 3.700 USD); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32% (mục tiêu khoảng 44-47%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5-1 điểm phần trăm (mục tiêu là 1-1,5 điểm phần trăm).   

Cùng với những căn nguyên từ nội tại của nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng động lực của cả nước (đóng góp trên 60% GDP và trên 63% thu ngân sách nhà nước hằng năm). Đồng thời, còn có các yếu tố đến từ bên ngoài như một số chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao...

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19; ngăn chặn, không để dịch lan rộng, nhất là các địa bàn đặc biệt quan trọng, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp. Đồng thời, chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong “tình hình mới”.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu quan trọng là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân cùng với tập trung tận dụng tốt các cơ hội nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Dự kiến kế hoạch năm 2022 có 16 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: 15 chỉ tiêu có thể đánh giá theo định kỳ hằng năm trong hệ thống 23 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội khóa XV thông qua và bổ sung 1 chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân. Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900USD/ năm; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%...

Trên cơ sở phân tích các cân đối lớn trong năm 2022, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu. Trong đó, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội. Gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Chính phủ cũng sẽ triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2026, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong cơ quan hành chính các cấp; triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện linh hoạt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.