Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặc sản vùng miền hội tụ chốn Kinh kỳ

Thanh Hiền| 21/01/2023 06:35

(HNM) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho các sản phẩm hàng hóa, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) thông qua các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại uy tín, quy mô lớn. Qua đó, đặc sản vùng miền đã hội tụ về Hà Nội, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô, cả nước và xuất khẩu.

Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội góp phần quảng bá các sản phẩm của Thủ đô cũng như các tỉnh, thành trên toàn quốc. Ảnh: Quỳnh Châu

Đặc sản vùng, miền “hút” người tiêu dùng Thủ đô

Là một trong những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương uy tín với quy mô lớn do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức, nhiều năm qua, hội chợ đặc sản vùng miền đã thực sự trở thành cầu nối, tạo đầu ra cho sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thể hiện rõ vai trò của Thủ đô với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".

Đến với hội chợ, người tiêu dùng Thủ đô có thể tìm được những đặc sản nổi tiếng của các vùng, miền trong cả nước như: Nước mắm Cát Hải, Phan Thiết, Phú Quốc; tôm chua Huế Tấn Lộc, mắm ruốc Huế; mắt cá ngừ, bánh chưng Bờ Đậu; kẹo lạc Sìu Châu Nam Định; mè xửng Huế; kẹo dừa Bến Tre; mứt sấy Đà Lạt; chè lam Thạch Thất; cà phê Lâm Đồng; chè Shan tuyết Suối Giàng; chè Thái Nguyên; vú sữa Lò Rèn; xoài cát Hòa Lộc; bưởi đường Tuyên Quang; gạo Cần Thơ...

Hòa mình vào dòng khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm tại hội chợ đặc sản vùng miền tổ chức tại Khu đô thị Royal City, chị Nguyễn Thanh Mai (cư dân sống tại Royal City) cho biết: “Đây là năm thứ ba, tôi và gia đình tham dự hội chợ. Những món đặc sản tại hội chợ rất ngon, rõ nguồn gốc mà giá cả hợp lý”. Chị Hoàng Mai Trang (trú tại ngõ 25 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) nhận xét, hội chợ luôn thu hút được nhiều đặc sản vùng miền về Hà Nội tạo thêm sản phẩm đặc biệt với khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Thủ đô.

Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm liền tham gia hội chợ đặc sản vùng miền và các chương trình xúc tiến thương mại do thành phố Hà Nội tổ chức, Giám đốc Công ty Đổi mới sáng tạo nông nghiệp Việt Nam (chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sản) Nguyễn Thu Hương đánh giá, đây là sự kiện xúc tiến thương mại lớn, uy tín, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội cũng như tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Thông qua hội chợ, công ty đã kết nối được với gần 30 đại lý phân phối ở Hà Nội.

Đại diện Hợp tác xã Nông sản Tân Việt Á (tỉnh Cao Bằng) Nguyễn Thị Dần chia sẻ, các sản phẩm hợp tác xã mang đến hội chợ được người tiêu dùng Thủ đô rất ưa chuộng. Ngay trong ngày khai mạc, hợp tác xã đã tiêu thụ một lượng lớn đặc sản Cao Bằng, như bánh chưng, thạch đen, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, lạp xưởng…

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu cả nước, Hà Nội còn có thế mạnh trong việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế, tạo đầu ra bền vững cho đặc sản vùng miền.

Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội

Với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, chưa kể hàng triệu du khách trong và ngoài nước tham quan…, thành phố Hà Nội có nhu cầu tiêu dùng rất lớn đối với các sản phẩm nông sản. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mỗi tháng, Hà Nội có nhu cầu tiêu dùng 92.970 tấn gạo; 18.594 tấn thịt lợn hơi; 5.350 tấn thịt bò; 6.198 tấn thịt gia cầm. Bên cạnh đó, người dân Thủ đô có nhu cầu tiêu dùng hơn 5.000 tấn thủy hải sản; 5.165 tấn thực phẩm chế biến; 103.300 tấn rau củ; 52.000 tấn trái cây… Trong khi, nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản thiết yếu Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30% đến 65% nhu cầu.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, những năm qua, thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng của các đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội còn triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố, mà điển hình là các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với 13 tỉnh Tây Nam Bộ, với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận, Lâm Đồng… tạo ra các chuỗi sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng trong năm 2022, các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 56.000 tấn (trái cây, nông sản) từ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được kết nối với gần 50 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội; được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc chủ động liên kết với các địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác nguồn hàng cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong mọi tình huống…

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, không chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội còn góp phần tạo nguồn hàng cung ứng lâu dài, ổn định, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về văn minh thương mại, chất lượng, giá cả, thương hiệu của sản phẩm Việt.

Chia sẻ về những công việc trong thời gian tới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường, đổi mới sáng tạo các phương thức kết nối theo hướng đa kênh, theo chuỗi, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng. Hàng hóa không chỉ có mẫu mã đẹp, mà phải có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt Nam. Bằng những việc làm cụ thể, hoạt động kết nối cung cầu sẽ tăng cường khai thác các thế mạnh của từng địa phương, thúc đẩy tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối của Hà Nội, để nâng cao giá trị bền vững của các sản phẩm hàng hóa Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sản vùng miền hội tụ chốn Kinh kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.