Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức hấp dẫn trong hợp tác công - tư

Tuệ Diễm| 05/04/2019 07:51

(HNM) - Với nguồn ngân sách chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư, năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa thông qua các dự án kêu gọi hợp tác công - tư (PPP) nhằm xây dựng hạ tầng giao thông, môi trường, y tế...

Công trình chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng được triển khai theo hình thức hợp tác công - tư tại thành phố Hồ Chí Minh.


Lợi ích thiết thực

Trong bối cảnh hiện nay, dù có nhiều nỗ lực để huy động các nguồn lực đầu tư nhưng nguồn vốn PPP của thành phố Hồ Chí Minh luôn thiếu hụt lớn so với nhu cầu thực tế. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Mỗi năm, thành phố dành 30.000 tỷ đồng ngân sách cho đầu tư công nhưng chỉ mới đáp ứng được 18% nhu cầu cần đầu tư của thành phố. Trước sức ép về cơ sở hạ tầng khi dân số ngày càng tăng, thành phố kêu gọi kết hợp công - tư nhằm huy động được nguồn vốn, phát huy tốt nguồn lực kinh tế tư nhân...”.

Tính từ năm 2000 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 3 tỷ USD; trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải, 3 dự án về hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án lĩnh vực môi trường và 1 dự án lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai 130 dự án hợp tác PPP đang trong giai đoạn chuẩn bị lập và đề xuất dự án, với tổng mức đầu tư dự tính hơn 380.947 tỷ đồng.

Trên thực tế, các dự án PPP đã mang lại nhiều lợi ích cho thành phố như: Sớm cung cấp các dịch vụ công mới, nâng cấp các dịch vụ công hiện có, giảm gánh nặng ngân sách qua thu hút vốn tư nhân để thực hiện dự án công ích. Ví dụ, từ tháng 5-2017, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong của cả nước cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào trạm y tế theo hình thức PPP. Cụ thể, Trạm y tế phường 11 (quận 3) được doanh nghiệp đầu tư sửa chữa, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, giúp trạm y tế này trở thành nơi khám, chữa bệnh có chất lượng cao. Ở lĩnh vực giao thông, một số dự án PPP lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2 góp phần giảm tình trạng kẹt xe...

Mặc dù mang lại lợi ích thiết thực nhưng trong quá trình triển khai PPP, thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn, như hợp đồng PPP thường kéo dài 20-30 năm, ẩn chứa nhiều rủi ro phát sinh trong tương lai. Đơn cử, trong số 22 dự án thành phố hoàn tất ký hợp đồng PPP, dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng trong quá trình thực hiện nảy sinh không ít vấn đề, buộc phải tạm ngừng thi công một thời gian đến nay mới được khởi công lại.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho biết: “Để mô hình PPP thành công, chính quyền thành phố và doanh nghiệp phải xác định có những rủi ro trong quá trình thực hiện. Cả nhà đầu tư và Nhà nước cần chia sẻ lợi ích lẫn rủi ro phát sinh.

Đề xuất dự án chất lượng

Nhằm xây dựng, quảng bá môi trường đầu tư PPP trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới thành phố sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án thuộc lĩnh vực xử lý nước thải, y tế, hoàn trả chi phí đầu tư dự án từ nguồn thu dịch vụ công; qua đó nhân rộng mô hình, đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực tương tự. Đặc biệt, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những thay đổi về cách làm PPP.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Thực ra, chúng ta cứ chờ nhà đầu tư trình dự án rồi phê duyệt. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thay đổi cách làm, đề xuất dự án chất lượng, chúng ta phải đàm phán dự án dịch vụ công cho người dân. Việc hình thành, mô tả dự án không tốn quá nhiều tiền, chúng ta tự chuẩn bị đề xuất rồi mời doanh nghiệp tham gia. Sau đó, chia danh sách dự án theo từng nhóm nhỏ như nước thải, cầu đường, bệnh viện... để tìm những nhà đầu tư phù hợp”.

Ngoài ra, thành phố sẽ có những ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp tham gia hợp tác. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng: “Để khuyến khích các nhà đầu tư, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo hướng miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất đối với các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường. Thành phố cũng ban hành lộ trình tăng phí xử lý nước thải, phí sử dụng dịch vụ y tế cũng như mức học phí cho các trường đầu tư theo hình thức PPP trên nguyên tắc thị trường... nhằm tăng tính hấp dẫn kêu gọi đầu tư”.

Chính quyền thành phố cũng cam kết, tiếp tục cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hợp tác công - tư nhằm tăng tốc hoàn thiện các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hấp dẫn trong hợp tác công - tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.