Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích tư nhân phát triển năng lượng

Trung Hiếu| 04/08/2020 07:12

(HNM) - Mục tiêu bảo đảm nguồn cung điện trong giai đoạn tới đang gặp thách thức khi nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ. Do đó, chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển năng lượng đã và đang được thúc đẩy với những cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm bảo đảm nguồn năng lượng bền vững cho phát triển.

Ngành Điện lắp đặt đường dây truyền tải đưa điện về vùng cao.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, kinh tế - xã hội phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng điện tăng cao. Dự báo giai đoạn 2021-2025, nhu cầu điện năng tăng trưởng khoảng 8,5-9,5%/năm.

Còn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, những tháng đầu năm 2020, nhu cầu phụ tải tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trưởng trên 11%. EVN đã phải huy động tối đa điện sản xuất từ than, khí, năng lượng tái tạo và nguồn điện dầu giá cao. “Năm 2020 vẫn cơ bản bảo đảm nhu cầu điện, song từ năm 2021, chúng ta có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu điện”, ông Võ Quang Lâm lo ngại.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200MW trở lên theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Thời gian qua, một số địa phương và doanh nghiệp tư nhân đã chủ động nghiên cứu, đầu tư các nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời), góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng của quốc gia. Cuối tháng 6-2020, Chính phủ đã đồng ý thông qua đề xuất bổ sung 91 dự án điện gió với tổng công suất gần 7.000MW vào quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Số liệu thống kê đến giữa tháng 5-2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió, với tổng công suất gần 6.000MW được vận hành thương mại, trong đó hầu hết do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa thể chạy hết công suất do thiếu đường dây truyền tải.

Bên cạnh đó, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo) Nguyễn Tâm Tiến, giá ưu đãi mua điện tái tạo chỉ áp dụng đến năm 2021, trong khi hầu hết thiết bị phải nhập khẩu nên nhà cung cấp thiết bị đã tìm cách ép giá nhà đầu tư.

Thúc đẩy phát triển nguồn cung

Tại “Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển năng lượng tiếp tục được nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ đã chủ động nghiên cứu Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để áp dụng xây dựng Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Với sự tham mưu, đề xuất chính sách của Bộ Công Thương, hiện đã có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Tuấn Anh thông tin, Bộ Công Thương đã đề xuất, với các dự án điện gió vận hành trước tháng 11-2021, giá mua áp dụng ở mức 1.927 đồng/kWh (tương đương 8,5 cent/kWh). Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua là 2.223 đồng (tương đương 9,8 cent/kWh). Chính sách này nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục đầu tư cho năng lượng tái tạo. Cùng với đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với đầu tư lưới điện truyền tải.

Ngoài cơ chế giá, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, việc cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện sẽ góp phần đỡ gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greenergy Nguyễn Huy Hoàng, trong đầu tư lưới điện truyền tải, nhà đầu tư “ngại” nhất là khâu giải phóng mặt bằng, bởi đây là hạng mục tốn công sức, thời gian và tiền bạc nhất. Vì thế, các nhà đầu tư rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, chính quyền các cấp.

Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến đề xuất thêm cơ chế giá để doanh nghiệp bỏ vốn và mời gọi ngân hàng tài trợ. “Ngân hàng tài trợ thì đòi hỏi phải có đầu ra tài chính. Vì vậy, phải có cơ chế vận hành, thuê lại, cho phép truyền tải điện như thế nào…”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải điện theo Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ hoàn thiện cơ chế thúc đẩy phát triển nguồn cung và tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, đặc biệt là khuyến khích tư nhân tham gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích tư nhân phát triển năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.