Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi để tăng trưởng bền vững

Hà An| 22/12/2018 06:35

(HNM) - Đối với ngành Du lịch, sự kiện chào đón, đánh dấu số lượt khách quốc tế luôn được xem là hoạt động ý nghĩa. Đây không chỉ là chỉ số quan trọng thể hiện trực tiếp sự tăng trưởng của du lịch, những nỗ lực của ngành này mà còn phản chiếu cho những thông số khác...


Thực vậy, việc Việt Nam đón du khách quốc tế thứ 15 triệu sau nhiều năm chờ đợi, đáng được xem là một sự kiện vui mừng. Nhìn lại, 5 năm trước, mới có 7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng đến nay, con số này đã tăng hơn gấp đôi, đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước tăng trưởng khách quốc tế nhiều nhất thế giới. Hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch mà Việt Nam đạt được trong năm qua càng củng cố cho nhận định tăng trưởng mạnh về lượng khách quốc tế là thành quả từ những đổi mới về chính sách mang tầm quốc gia, những nỗ lực thực sự của nhiều ngành, của toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, điều quan trọng là nhìn nhận sự tăng trưởng về con số này trong mối quan hệ biện chứng với chất lượng, đặc biệt là với mục tiêu phát triển bền vững của ngành Du lịch.

Cụ thể, phải chỉ ra những yếu tố nào tác động trước mắt đến việc tăng trưởng về lượng khách quốc tế, yếu tố nào tác động lâu dài để không những duy trì con số này mà còn tăng một cách ổn định, bền vững, tránh tình trạng du khách đến tưng bừng, dồn dập nhưng “một đi không trở lại”…

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, mặc dù mốc 15 triệu lượt khách quốc tế là rất đáng hân hoan, nhưng so với bạn bè trong khu vực thì đây vẫn là kết quả khiêm tốn so với tiềm năng. Chưa kể, số lượng tăng mạnh nhưng cơ cấu khách quốc tế có thể mang lại nguồn thu lớn đến đâu cho ngành Du lịch cho quốc gia cũng lại là câu chuyện đáng bàn. Vì nhiều lý do, lượng khách đến với nước ta từ các thị trường có mức chi tiêu cao còn rất hạn chế, mới dừng ở 16%. Nâng tỷ trọng này cũng chính là đòi hỏi nâng chất lượng dịch vụ, nâng chất cho nguồn thu song song với tăng số lượng khách.

Từ những nhận định trên, có thể thấy, để duy trì và tăng trưởng về số lượng; chuyển hóa mạnh mẽ sự tăng trưởng này thành chất lượng phục vụ, chất lượng hoạt động của ngành Du lịch thì phải thúc đẩy đồng thời nhiều nhiệm vụ.

Trước hết là phát huy, tận dụng tốt các chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và du lịch nói riêng của cả nước. Tiếp tục duy trì những yếu tố có khả năng mở rộng đối tượng khách du lịch quốc tế như chính sách miễn thị thực nhập cảnh; cải cách hành chính liên quan đến du lịch…

Bên cạnh đó, thúc đẩy du lịch nước nhà phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành với triết lý, hướng đi được cụ thể hóa, như tập trung vào thế mạnh du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, tăng cường giao lưu trên cơ sở tôn trọng môi trường, đời sống người dân bản địa.

Đáng nói nhất, thu hút, giữ chân, hấp dẫn khách quốc tế đến với Việt Nam cần đến công sức của mỗi người dân trong cả nước. Cách ứng xử đúng mực của người dân, tinh thần lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, bản sắc của địa phương, thái độ nói không với gian lận, chèo kéo khách…, chính là lời cam kết lớn nhất, đẹp đẽ và ấn tượng nhất đối với du khách quốc tế khi trải nghiệm du lịch ở nước ta.

Tất cả những nỗ lực thu hút khách quốc tế trên cũng sẽ giúp chúng ta đến gần hơn với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi để tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.