Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cả trước mắt và lâu dài

Thế Nguyên| 25/02/2019 06:11

(HNM) - Những “thông điệp” có tính cảnh báo từ dòng sông Hồng trong những năm vừa qua cũng như hệ lụy của nó tới đời sống và hoạt động sản xuất đã đến lúc không thể không dành sự chú ý đúng mức: Lòng dẫn sông ngày càng hạ thấp với mức độ ngày càng nghiêm trọng; mực nước sông cũng ngày càng thấp hơn...


Nguyên nhân đã được nhận diện, chỉ rõ, đó là: Tình hình khai thác cát trái phép diễn ra nghiêm trọng; có địa phương, có thời điểm vượt khỏi tầm quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc phát triển hồ chứa ở thượng nguồn cũng giữ lại phần lớn lượng bùn cát về hạ du. “Thông điệp” trên cho thấy vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, trực tiếp và trước hết với những địa phương mà sông Hồng chảy qua, ngày càng đứng trước nhiều khó khăn. Và rõ ràng khi an ninh nguồn nước chịu những tác động tiêu cực, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên nước sẽ suy giảm. Điểm cần nói thêm ở đây là không chỉ hoạt động sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội và các tỉnh ở lưu vực sông Hồng phụ thuộc vào nguồn nước này mà còn rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Để giảm tác động tiêu cực của tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng, thời gian qua, các địa phương, cơ quan chức năng đã đề xuất, triển khai nhiều giải pháp vừa có tính cấp bách vừa có tính dài hơi. Những giải pháp, biện pháp công trình (đắp bù để nâng đáy sông bằng cao trình cũ ở một số vị trí cần thiết, đắp đập ngầm, đập vĩnh cửu để nâng mực nước sông cho các công trình lấy nước…) cần được đánh giá thỏa đáng, thực hiện với tiến độ đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, các giải pháp, biện pháp kỹ thuật (vận hành hồ chứa thượng nguồn) cần được thực hiện linh hoạt, phù hợp.

“Trị bệnh, trị tận gốc” - khi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng là hoạt động khai thác cát bừa bãi thì rõ ràng đã đến lúc, các địa phương còn để xảy ra vi phạm này không thể không vào cuộc với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Thực tế, liên tục thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động này, xử lý nghiêm “cát tặc”. Song về lâu dài, không chỉ hoạt động khai thác cát trái phép mà ngay hoạt động khai thác cát... có phép cũng cần được điều chỉnh, hạn chế dần.

Nhìn rộng ra, “quản trị sông Hồng” còn là vấn đề có tính liên ngành. Chẳng hạn, các ngành, địa phương phải kiên quyết “từ chối” các dự án thủy điện trong vùng tác động của lưu vực sông Hồng, bởi ngay dự án thủy điện nhỏ vẫn thâm dụng trữ lượng nước.

Nói cách khác, vấn đề mực nước cạn trên sông Hồng đòi hỏi phải có cả giải pháp trước mắt và lâu dài về quản lý, khai thác các tài nguyên nước, cát sỏi... Với ngành Nông nghiệp, “thông điệp” từ sông Hồng cũng có ý nghĩa “gợi mở”: Không chỉ Hà Nội và các địa phương trong lưu vực nói riêng mà cả nước nói chung cần tiến nhanh hơn đến các mô hình, công nghệ, dù là trong sản xuất nông nghiệp hay lĩnh vực công nghiệp, đô thị... hạn chế thâm dụng tài nguyên nước. Kinh nghiệm của Israel, một quốc gia sa mạc mạnh về nông nghiệp, dù phần lớn diện tích cằn cỗi, là một ví dụ sinh động cho quá trình này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cả trước mắt và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.