Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển động thực chất

Minh Thúy| 05/06/2019 06:21

(HNM) - Ngày đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã khép lại trong sự hài lòng của cử tri và nhân dân cả nước. Những vấn đề “nóng” đưa ra tại nghị trường đã được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải đáp đã phần nào đáp ứng mong chờ của cử tri.


Những vấn đề “gai góc” được các đại biểu đề cập đều được người dân cả nước đặc biệt quan tâm. Có những vấn đề không mới, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Trong lĩnh vực an ninh trật tự, đó là tình trạng gia tăng tội phạm về ma túy, các vụ án giết người...; trong lĩnh vực xây dựng là việc phá vỡ quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép... Song, trong cái cũ ấy đã tiềm ẩn những mầm mống mới có chiều hướng ngày càng phức tạp. Đó là tội phạm liên quan đến các đối tượng “ngáo đá”; Việt Nam đang bị lợi dụng làm địa bàn để trung chuyển ma túy trên thế giới; tội phạm xâm hại trẻ em...

Trong lĩnh vực xây dựng, những loại hình bất động sản mới chưa được quản lý thống nhất, chặt chẽ dẫn đến những tranh chấp mới đang hình thành; hiện tượng người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài đang lan rộng... Nếu không có giải pháp quyết liệt thì những mối nguy trên sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả lâu dài cho xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng trên đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn và các “tư lệnh” ngành phân tích nhiều chiều. Đáng lưu ý, tuy là hai mảng vấn đề thuộc quản lý của Bộ Công an và Bộ Xây dựng, song trách nhiệm còn liên quan đến nhiều ngành khác như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng, Giao thông - Vận tải; Tài nguyên và Môi trường... Khi các vấn đề đặt ra trong mối tương quan nhưng rõ việc của mỗi bộ, ngành, có sự tổng hòa trách nhiệm, sẽ tạo được những chuyển động thực chất, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Để chuyển động, mỗi ngành cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình. Như chính Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế và cam kết việc đưa ra giải pháp để từng bước đổi mới hoạt động của ngành, bịt các khe hở pháp lý, tăng cường quản lý cán bộ bằng kỷ luật, kỷ cương...

Tại phiên chất vấn, các vấn đề đặt ra quyết liệt, đòi hỏi các bộ trưởng cũng phải có phương án giải quyết tận gốc. Ví như, vấn đề chậm di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội thành Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị, sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các bộ liên quan để đánh giá, vì sao di dời chậm và giải pháp ra sao... Việc truy đến cùng những tồn tại, chắc chắn sẽ tìm được biện pháp hóa giải tốt hơn.

Qua chất vấn, cử tri cũng như đại biểu Quốc hội nhìn nhận rõ hơn những giải pháp các bộ, ngành đưa ra, từ đó, tăng cường giám sát nhằm bảo đảm các tồn tại được giải quyết ngọn nguồn. Cùng với đó, việc giám sát thực hiện lời hứa của các "tư lệnh" ngành cũng là yếu tố quan trọng để tạo thay đổi trên thực tế. Bởi điều cử tri mong muốn không chỉ là những câu trả lời hay, thuyết phục mà còn là hành động tạo chuyển động thực chất.

Trước những mảng việc lớn thực tiễn đang yêu cầu giải quyết, có phần việc được khẳng định thời gian sẽ hoàn thành, song cũng có phần việc chưa thể xong trong thời gian trước mắt... Nhưng, cử tri mong muốn những vấn đề được nêu tại nghị trường sẽ được giải quyết triệt để. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết làm cơ sở để các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiếp tục giám sát việc thực hiện.

Tìm được lời giải để có chuyển động thực chất cho những vấn đề “nóng” - đó là mong mỏi mà cử tri và nhân dân cả nước đang trông chờ từ những phiên chất vấn ý nghĩa này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển động thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.