Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng “sức đề kháng” cho trẻ em

Duy Biên| 29/11/2019 06:27

(HNM) - Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn và ngày càng tăng. Với khoảng 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn.

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà mạng xã hội đem lại như kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin… Tuy nhiên, trước thực trạng có một tỷ lệ không nhỏ giới trẻ ở nước ta, trong đó có không ít trẻ em (người dưới 16 tuổi) sử dụng mạng xã hội theo cách vô bổ, thậm chí còn gây ra những hậu quả đáng tiếc, đòi hỏi cần những giải pháp kiểm soát hữu hiệu từ phía người sử dụng cũng như trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Hiện nay, các trang mạng xã hội lớn như: Facebook, YouTube (Google) hay Twitter… đều quy định rõ độ tuổi được phép của người dùng từ khi bắt đầu mở tài khoản là 13 tuổi. Trong khi đó, tại Việt Nam việc tuân thủ quy định này trên thực tế phần lớn chỉ căn cứ vào sự trung thực khi khai báo của người sử dụng. Thậm chí, nhiều trẻ 9-10 tuổi cũng đã sở hữu các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, ipad và sử dụng thành thạo các nền tảng mạng xã hội.

Việc sử dụng mạng xã hội khi chưa đủ tuổi, hoặc trong độ tuổi vị thành niên, đã được nhiều chuyên gia cảnh báo là dễ mang lại những ảnh hưởng không tốt, tác động tiêu cực đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Những rủi ro có thể gặp phải khi nhóm tuổi này sử dụng mạng xã hội thường là: Bị mất thông tin cá nhân; bị sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu hay trở nên “nghiện” mạng xã hội…

Mạng xã hội luôn có tính hai mặt, lợi và hại, tùy thuộc vào cách sử dụng và khai thác của mỗi người. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc làm thế nào để bảo vệ trẻ em an toàn khi sử dụng mạng xã hội đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Trước hết, về mặt quản lý nhà nước, cần có những giải pháp cụ thể, bao gồm: Ban hành quy định buộc nhà cung cấp dịch vụ phải thông tin về quyền bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội; ứng dụng kỹ thuật để giảm rủi ro của trẻ em khi sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, cần ban hành quy định thắt chặt quản lý về độ tuổi của người sử dụng mạng xã hội.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng xã hội, cần có giải pháp mang tính thực chất, khả thi trong quản lý độ tuổi người sử dụng, cũng như ngăn chặn trẻ em tiếp cận nội dung không lành mạnh…

Đặc biệt, gia đình có vai trò quan trọng trong việc giám sát trẻ sử dụng mạng xã hội. Nếu các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, chia sẻ, sẽ giúp các em được chuẩn bị về kiến thức và tâm lý, có chính kiến và biết đề phòng với các nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội. Đồng thời, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để thường xuyên lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, qua đó cùng đưa ra định hướng tốt nhất.

Trẻ em là lứa tuổi luôn tò mò, thích khám phá những điều mới mẻ nhưng chưa có kỹ năng sàng lọc thông tin, kỹ năng phòng tránh và tự bảo vệ mình trước những cám dỗ và những nguồn thông tin độc hại. Vì thế, các cơ quan chức năng phải định lượng độ tuổi an toàn mà trẻ em được tiếp cận, sử dụng mạng xã hội để có những khuyến cáo đến toàn xã hội, tăng cường việc hướng dẫn và giám sát của cha mẹ, thầy cô... nhằm tăng “sức đề kháng” cho các em, giúp các em sử dụng mạng xã hội hiệu quả, tự tin bước vào thời đại công nghệ số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng “sức đề kháng” cho trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.