Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có giải pháp căn cơ

Văn Ngọc Thủy| 03/12/2019 06:36

(HNM) - Tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư tồn tại đã nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả. Trong khi các biện pháp xử lý vẫn đang được bàn thảo thì những tranh chấp mới vẫn liên tục phát sinh. Với mức phí bằng 2% giá trị căn hộ, số tiền của quỹ bảo trì chung cư không hề nhỏ, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều chủ đầu tư cố tình “ôm” tiền, lờ đi trách nhiệm bàn giao, không chi đúng mục đích. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân khách quan như nhiều chung cư đi vào vận hành, nhưng người dân không bầu được ban quản trị tòa nhà, chủ đầu tư không biết bàn giao quỹ bảo trì cho ai...

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của ban quản trị cũng là vấn đề cần bàn. Không ít thành viên ban quản trị thiếu hiểu biết chuyên môn, vận hành quỹ không hiệu quả. Trong khi đó, quản trị nhà chung cư không phải là một nghề, những người tham gia ban quản trị không được đào tạo nghiệp vụ, không am hiểu quy định pháp luật liên quan; không được trả lương nhưng lại phải bỏ ra không ít thời gian, công sức cho công việc chung của tòa nhà…

Với thực trạng đó nên dễ thấy, các xung đột liên quan đến quỹ bảo trì vẫn không ngừng phát sinh trong cuộc sống. Là địa phương có số lượng lớn nhà chung cư, những mâu thuẫn về quỹ bảo trì đã và đang gây xáo trộn, mất an ninh trật tự ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội.

Vì vậy, trong các năm 2018, 2019, Sở Xây dựng Hà Nội đã liên tục công khai tên của hàng chục chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì... Mạnh tay hơn, tại Kế hoạch 241/KH-UBND (ngày 15-11-2019) UBND thành phố nêu rõ, kiên quyết không đề xuất lựa chọn các nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, được tham gia đầu tư các dự án mới...

Song, điều đó chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề, mà cần có các giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tiễn hơn nữa.

Theo đó, cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật và điều quan trọng hơn là phải đưa các quy định đó vào cuộc sống. Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BXD (hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020) với hàng loạt điểm mới trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có quy định về quỹ bảo trì.

Thời gian Thông tư có hiệu lực đã cận kề, các cơ quan chức năng phải có những chuẩn bị cần thiết để áp dụng trong giải quyết các mâu thuẫn. Mặt khác, những vướng mắc đang tồn tại trong việc cưỡng chế với trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ không bàn giao quỹ bảo trì (quy định tại Khoản 1, Điều 37, Nghị định 99/2015/NĐ-CP), cần được sớm hóa giải để áp dụng trong thực tế. Cơ quan hữu quan cần khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì để tăng sức răn đe...

Ngoài ra, xét theo góc độ hợp đồng dân sự, các cư dân nên giải quyết tranh chấp với chủ đầu tư tại tòa án. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xem xét điều chỉnh quy định mức đóng góp, vận hành quỹ bảo trì theo mức đóng phí thấp hơn, “vòng đời” sử dụng ngắn hơn để thuận tiện hơn trong công tác quản lý, cũng như có mức thu phù hợp với biến động của thị trường.

Tùy điều kiện cụ thể của mỗi tòa nhà, chủ đầu tư có thể phối hợp với ban quản trị thuê tổ chức có chuyên môn quản lý quỹ để bảo đảm tính chuyên nghiệp, minh bạch, khách quan. Đồng thời, mỗi cư dân cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức trong việc tham gia giám sát hoạt động của ban quản trị hoặc các hoạt động chung của tòa nhà...

Chỉ khi có giải pháp căn cơ, tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì mới dần "hạ nhiệt" và góp phần đưa quỹ bảo trì đi đúng quỹ đạo, hóa giải được vấn đề "nóng" tồn tại lâu nay tại các tòa chung cư trên địa bàn cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.