Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì Thủ đô văn minh

Gia Khánh| 13/08/2020 06:09

(HNM) - Tháng 6-2016, UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị viễn thông, điện lực đã ký kết hợp tác đầu tư hạ ngầm các tuyến cáp đi nổi. Ý tưởng này xuất phát từ mong muốn xây dựng thành phố Hà Nội văn minh, hiện đại; tiếp tục cụ thể hóa chủ trương xóa “rác trời” mà lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đề ra từ năm 2010, khi Thủ đô kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cũng vì chủ trương ý nghĩa đó nên khi thành phố Hà Nội kêu gọi đầu tư hạ ngầm đường dây đi nổi theo hình thức xã hội hóa, các doanh nghiệp viễn thông, điện lực đã đồng lòng hưởng ứng.

Sau 4 năm triển khai thỏa thuận, 7 đơn vị viễn thông, điện lực đã dành hơn 2.700 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để hạ ngầm đường dây đi nổi. Tính đến nay, 140/255 tuyến phố đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống hạ tầng, hạ ngầm đường cáp viễn thông, điện lực. Tuyến dây đi nổi, cột điện được gỡ bỏ, mang lại diện mạo mới cho các tuyến phố. Hơn thế, đó là sự an toàn cho việc vận hành hệ thống đường dây cũng như cho người dân.

Thực tế trong quá trình triển khai, thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi đối với các nhà đầu tư, như xây dựng cơ chế “một cửa” - nhà đầu tư chỉ cần đến một sở xin cấp phép, các sở còn lại có trách nhiệm “liên thông” thực hiện các thủ tục cần thiết. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng chủ động phối hợp thực hiện đồng bộ phương án thi công, để khắc phục khó khăn về mặt bằng chật hẹp, tránh đào đường, hè nhiều lần, hạn chế ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Sau 4 năm, cách làm, hiệu quả đã rõ. Nỗ lực của các cấp, ngành thành phố cũng như nhà đầu tư đã được ghi nhận. Song, thực tế việc hạ ngầm đường dây đi nổi không đơn giản. Khó khăn đến từ nhiều phía, đơn cử như việc làm sao bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án; hay việc có nơi, có chỗ, người dân còn chưa hiểu và đồng thuận, cản trở thi công. Trong quá trình thực hiện, còn nhà thầu chưa bảo đảm hoàn trả mặt đường, hè đúng yêu cầu; chưa bảo đảm vệ sinh môi trường…

Vì thế, thành phố đã thành lập tổ công tác gồm đại diện các sở, ngành, chủ đầu tư, trực tiếp đôn đốc tiến độ, gỡ vướng cho từng dự án. Chính quyền các địa phương cũng cần vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư vận động người dân đồng thuận, ủng hộ dự án, trên cơ sở vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội. Đồng thời, chính quyền, cùng người dân tham gia giám sát chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện dự án đúng thiết kế, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn giao thông. Người dân Thủ đô cần ủng hộ chủ trương đúng đắn này, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công triển khai đúng tiến độ đề ra.

Là chủ thể tham gia dự án, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng cam kết về nguồn vốn, tiến độ đầu tư từng dự án đã thỏa thuận với thành phố. Bởi, mỗi dự án đầu tư hạ ngầm còn mang lại hiệu quả kinh doanh cho chính doanh nghiệp.

Cùng với đó, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, thủ tục nghiệm thu, tiếp nhận bàn giao cũng cần được rút gọn, đơn giản hóa, để chủ đầu tư nhanh chóng đưa dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Điều này càng được coi trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện còn 38 tuyến phố đang làm thủ tục xin cấp phép thi công; 74 tuyến đang lập thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công…, phần việc còn lại khá nhiều, đòi hỏi các đơn vị nỗ lực hơn nữa, vì mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì Thủ đô văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.