Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch có trách nhiệm

Hà Anh| 28/11/2020 12:29

(HNMCT) - Mấy ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh, clip có nội dung thể hiện một nhóm du khách ăn mặc hở hang, kỳ dị với những cử chỉ, hành động mà như nhiều cư dân mạng đánh giá là "vô văn hóa", thậm chí “quái gở”, “biến thái”… Sự việc được xác định xảy ra vào khoảng 20h ngày 22-11, tại một phố đi bộ ngay sát chợ đêm ở trung tâm thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), trước sự chứng kiến của khá đông người dân địa phương và du khách.

Khỏi phải nói những hình ảnh này đã gây bức xúc cho dư luận như thế nào. Đã có không ít ý kiến đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những hành vi phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh vùng đất, con người Đà Lạt nói chung cũng như không gian văn hóa - du lịch của “thành phố mộng mơ”…

Thông tin về nhóm du khách “biến thái” ở Đà Lạt gợi nhắc một chuyện tương tự. Hồi cuối tháng 11-2019, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một nhóm du khách, chính xác gồm 9 thanh niên… đứng tụt quần khoe vòng 3 để chụp ảnh check-in khi đặt chân đến Hà Giang. Hành động mang tính “nguyên thủy”, xúc phạm mảnh đất, con người Hà Giang của nhóm thanh niên này tất nhiên là nhận vô số “gạch đá” ở thời điểm ấy. 

Hai vụ việc cách nhau tròn 1 năm có thể xem là tiêu biểu cho sự xấu xí của một bộ phận du khách Việt.

Những năm gần đây, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành “công nghiệp không khói” đã kéo theo trào lưu “du lịch xấu xí”, nhất là trong giới trẻ. Phổ biến là tình trạng xả rác bừa bãi; ăn nói thô tục, hút thuốc lá nơi công cộng; viết vẽ bậy, bôi bẩn lên di tích, danh lam thắng cảnh; ăn mặc phản cảm khi tham quan di tích… Cứ sau mỗi kỳ nghỉ lễ là các bãi biển, khu du lịch, chợ đêm, phố đi bộ… lại ngập ngụa túi nilon, vỏ lon bia, vỏ bao thuốc lá…; những ruộng hoa tam giác mạch, dã quỳ đẹp đẽ, thơ mộng (được trồng để phục vụ nhu cầu “tự sướng” của du khách) trở nên tơi bời, xơ xác… Đáng nói, không chỉ “diễn” ở trong nước mà thói quen du lịch xấu xí còn theo chân nhiều người Việt ra nước ngoài.

Phải khẳng định, những hình ảnh du lịch xấu xí - bắt nguồn từ lối sống “tự nhiên chủ nghĩa”, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một bộ phận du khách Việt - đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành Du lịch nước nhà, bôi xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè, du khách quốc tế. Và để chấn chỉnh, tháng 3-2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm định hướng cho du khách Việt tới những ứng xử văn minh - tự trọng - trách nhiệm, áp dụng khi du lịch trong nước và cả khi du lịch nước ngoài. Vậy nhưng sau gần 4 năm triển khai thực hiện kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là ngành Du lịch với ước tính thiệt hại khoảng 23 tỷ USD. Để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã rất nỗ lực, đặc biệt là sự chuyển hướng sang thị trường nội địa với chiến dịch "kích cầu du lịch" đã đem lại hiệu quả đáng kể trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để phục hồi, duy trì sự ổn định, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao khi thị trường khách quốc tế mở cửa trở lại, nếu chỉ trông vào nỗ lực của các cơ quan quản lý và cộng đồng làm du lịch rõ ràng là chưa đủ, mà còn đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn thể diện quốc gia, xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mến khách, thân thiện, thanh lịch, văn minh... Nói cách khác, để có được môi trường du lịch văn minh, phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa du lịch, vì vậy mỗi người Việt Nam khi đi du lịch cần ý thức được vai trò của mình - vừa là du khách vừa là "đại sứ du lịch" - để có những ứng xử văn hóa, có trách nhiệm với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.