Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái diễn nạn đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội

Hoàng Sơn| 04/06/2021 18:09

(HNMO) - Nông dân Hà Nội đã bước vào thu hoạch lúa xuân 2021, cũng là thời điểm nạn đốt rơm rạ tái diễn trên các xứ đồng. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Những khoảnh ruộng ở huyện Mỹ Đức bốc cháy nghi ngút.

Đốt rơm rạ, nhiều tác hại

Sáng 4-6-2021, có mặt tại xứ đồng các xã Yên Sơn, Sài Sơn, Ngọc Liệp của huyện Quốc Oai, phóng viên chứng kiến hàng chục điểm đốt rơm rạ với những cột khói trắng bốc lên nghi ngút.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai cho biết, buổi chiều đi làm về mọi người đều bị cay mắt, chảy nước mũi, rất khó chịu.

Không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, khói rơm rạ còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điển hình tại huyện Sóc Sơn, người dân các xã: Phù Lỗ, Mai Đình, Phú Cường, Thanh Xuân, Tiên Dược... đốt rơm rạ gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài làm ảnh hưởng tầm nhìn của máy bay khi cất, hạ cánh. Cảng vụ Hàng không miền Bắc hằng năm đều phải gửi công văn đề nghị huyện Sóc Sơn có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Theo kết quả điều tra, rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỷ lệ đốt rơm rạ trong vụ xuân là khoảng 20%, cao hơn ở vụ mùa. Tuy nhiên, con số thực tế tại các huyện còn lớn hơn nhiều, như: Thường Tín, Thanh Oai chiếm tỷ lệ 50%, Thạch Thất 45%, Chương Mỹ 37%, Thanh Trì 33%, Mê Linh 30%, Sóc Sơn 25%...

Tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân và chủ yếu vẫn là chuyện nông dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ trong đun nấu hằng ngày. Mặt khác, thời vụ làm đất cho vụ gieo trồng kế tiếp ngắn, rơm rạ để lại trên đồng ruộng khó phân hủy được ngay. Do đó, để thuận lợi cho việc làm đất, người dân đốt tại ruộng để diệt sâu bọ và lấy tro bón cho vụ sau... 

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) nhận định, nhiều người dân chưa nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ, cộng thêm sự vào cuộc thiếu chủ động, quyết liệt của các địa phương trong xử lý vi phạm nên tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra...

Đốt rơm rạ tại huyện Sóc Sơn.

Chế tài chặt, xử lý... lỏng

Đây không phải vấn đề mới nhưng luôn mang tính thời sự. Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, các địa phương còn đất sản xuất nông nghiệp đã xây dựng xong kế hoạch xử lý tình trạng đốt rơm rạ nhưng triển khai chậm và thực tế cho thấy, hiệu quả chưa cao.

Điển hình như, tại huyện Sóc Sơn, từ tháng 9-2020 đến nay đã triển khai 3 văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ. Trong đó, UBND huyện chỉ rất rõ: Hành vi đốt rơm rạ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Nội vụ kiểm tra, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chậm ngăn chặn xử lý trường hợp đốt rơm rạ. Tuy nhiên, sau 3 vụ thu hoạch, huyện Sóc Sơn chưa xử phạt được trường hợp nào!

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải cho biết, hiện nay, UBND huyện mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không thực hiện hành vi đốt rơm rạ.

Tương tự, một số địa phương khác cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoặc triển khai một số mô hình như: Sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ làm phân vi sinh, thu gom làm thức ăn cho gia súc... nhưng khối lượng và quy mô không nhiều. Và, đáng nói là vẫn chưa có các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn vấn nạn đốt rơm rạ.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND, trong đó tập trung tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật thay thế. Cùng với đó, các phòng, chi cục của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường giám sát, kiểm kê nguồn thải phát sinh từ việc đốt rơm rạ; đánh giá tác động ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ làm cơ sở khoa học để xây dựng chính sách quản lý mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với các địa phương còn tỷ lệ đốt rơm rạ cao, sở đề nghị xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, cam kết chấm dứt hiện tượng đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch...

Còn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường cho biết, hiện nay, Sở đang xây dựng phương án bổ sung tiêu chí “không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định” vào bộ tiêu chí xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang hoàn thiện văn bản trình HĐND thành phố phê duyệt chính sách hỗ trợ tài chính xử lý phụ phẩm cây trồng để nông dân triển khai các giải pháp thay thế đốt rơm rạ sau mùa vụ.

Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa tình trạng đốt rơm rạ sau mùa vụ, đã đến lúc tăng cường giải pháp mạnh, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu không kịp thời ngăn chặn vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái diễn nạn đốt rơm rạ ở ngoại thành Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.