Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuỗi liên kết nông nghiệp Thủ đô: Thông suốt vượt dịch bệnh

Ngọc Quỳnh| 20/08/2021 06:09

(HNM) - Việc thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã làm đứt gãy hoạt động vận chuyển hàng hóa, gây nên tình trạng ùn ứ nông sản ở nhiều địa phương vào một số thời điểm. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn hoạt động thông suốt, vượt qua dịch bệnh, phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn với giá ổn định cho người tiêu dùng Thủ đô.

Nhờ phát triển chuỗi liên kết, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, trong đó có rau VietGAP của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) vẫn được tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị Big C trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: Minh Phúc

Ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Trong khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ gặp khó trong khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản thì hoạt động của các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ vẫn ổn định.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hợp tác xã đã chủ động liên kết với một số cửa hàng tiện ích; cập nhật thông tin lên các trang bán hàng trực tuyến nên lượng thịt lợn tiêu thụ tăng 30%. Chỉ tính trong 1 tháng gần đây, hợp tác xã đã bán ra thị trường 25 tấn thịt lợn hơi với giá ổn định.

Tương tự, chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch của Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cũng duy trì ổn định trong đại dịch. Mối liên kết chặt chẽ với hơn 100 cơ sở sản xuất và 90 cửa hàng phân phối đã giúp Organic Green bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. “Do nhiều chợ dân sinh tạm đóng cửa, người mua có xu hướng tìm đến sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời công ty có chương trình giảm giá 15% tất cả các mặt hàng, hỗ trợ giao hàng miễn phí với đơn hàng từ 800.000 đồng trở lên, nên lượng hàng bán ra tăng gấp đôi so với giai đoạn chưa có dịch”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Organic Green Nguyễn Văn Chữ thông tin.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho hay, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do đã liên kết với Công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội (quận Cầu Giấy) và Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Liên Anh (huyện Hoài Đức) bảo đảm được khâu tiêu thụ nên hiện hợp tác xã vẫn duy trì ổn định sản xuất rau xanh trên diện tích 33ha, mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn rau các loại.

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Kiều Thị Thanh (phường Phương Mai, quận Đống Đa) chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì ra chợ, gia đình tôi đã mua thực phẩm của một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại siêu thị gần nhà. Thực phẩm tươi ngon, xuất xứ rõ ràng, nên gia đình tôi rất yên tâm".

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét, 141 chuỗi liên kết hoạt động thông suốt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người dân. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các tổ kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa ngõ Thủ đô để giải quyết thủ tục nhanh gọn, ưu tiên “luồng xanh” vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp... đến các kênh phân phối.

Thúc đẩy các giải pháp liên kết chuỗi

Chăm sóc lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai).

Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội thời gian qua hoạt động thông suốt, song do còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy tối đa lợi thế. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sản xuất nhỏ lẻ dẫn tới khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu chưa mạnh là điểm yếu chung của hầu hết các chuỗi nông sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Công ty TNHH VinaGAP Việt Nam Trần Mạnh Chiến (quận Hà Đông) cho rằng, chỉ khi nông dân sản xuất theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp mới giải quyết được “bài toán” được mùa mất giá, tiêu thụ ổn định trong mọi hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...

Để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo mô hình chuỗi liên kết; chú trọng việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Quốc Oai sẽ tổ chức các hội thảo, diễn đàn trao đổi giữa doanh nghiệp và hợp tác xã để thúc đẩy ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Còn Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay, trước mắt, để hỗ trợ các chuỗi phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố và các địa phương tăng cường công tác kết nối, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn. Về lâu dài, Chi cục và các chuỗi liên kết sẽ phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; các mạng xã hội Facebook, Zalo…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ rà soát quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; thúc đẩy đăng ký và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đồng thời, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có khả năng đầu tư lâu dài, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho nông sản Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuỗi liên kết nông nghiệp Thủ đô: Thông suốt vượt dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.